Phiên chợ cuối năm

16/01/2022 09:52 daidoanket.vn

Dù là phiên ngày 1 ngày 6, ngày 3 ngày 8 hay ngày 2 ngày 7 thế nào thì từ làng ra phố những phiên chợ Tết cũng tấp nập cả. Tháng năm, mùa vụ chi chút dành cả vào tháng củ mật này, có những chủ hàng tính các phiên chợ Tết này “được ăn cả, ngã về không” chứ không nhẩn nha như bán hàng trong năm.

Sắc màu chợ quê.  
Sắc màu chợ quê.  

Tháng này là của hàng khô, những măng miến, mộc nhĩ, nấm hương, đóng túi to đại chất ngất cùng với đậu tằm xanh lòng xay vỡ cả bao hay đóng túi sẵn kìn kìn về chợ từ bao giờ, để đến phiên thì bầy ê hề.

Chưa kể đến, có người thiên hạ, buôn hàng khô  theo dịp, chỉ đến tết mới đem về chợ bán. Có thể họ có mối gom từ chợ lớn, hoặc có người nhà tại vùng có các sản vật này nên gom về bán các phiên chợ trong vùng, mong kiếm thêm tiền cho Tết sắp tới.

Thường thì những người này không có quầy, tìm chỗ bạt che, ni lông trải, thế là bầy biện những túi, những bọc hàng khô ra bán. Nếu gặp giời mưa thì ni lông hay bạt phủ kín, ráo giời là lại phô ra.

Người đi chợ tết gặp hàng ưng mắt là mua, có khi quanh năm mua quen hàng trong cầu chợ hay cửa hàng, tết nhất gặp người bán hàng đặc sản kiểu này thì lại chọn mua dùng thử. Đúng là trăm người bán, vạn người mua, chợ búa chẳng lo ế bao giờ.

Mua ống giang về chẻ lạt gói bánh chưng.  
Mua ống giang về chẻ lạt gói bánh chưng.  

Chợ tết hàng dưa hành cũng rất đắt hàng, trước chỉ có người bên bãi sông bán thức này, nhưng sau giao thông tiện vào ngày chợ phiên người ta đánh cả xe ô tô dưa cải, hành, tỏi từ những vùng chuyên canh về bán.

Tết nhất nhà nào cũng muốn muối vại hành, vại dưa để ăn tết. Chứ không cứ thịt thà, giò các loại lại chả mỡ ăn rất ngấy. Có người mua cả đôi yến dưa cải bẹ về nén để ăn đi cấy và bảo trong Tết còn xoay được, chứ ra giêng bận cấy hái bữa ăn mà thiếu món này thì thật khó chịu.

Hàng quần áo những phiên chợ giáp tết thật đông. Đành rằng shop đã về đến tận phố làng nhưng quần áo chợ phiên cũng không vì thế mà mất khách. Những chị bán hàng quần áo này phải nói là tinh đời, chẳng biết gom hàng từ nguồn nào mà giờ đường sá thuận lợi, đi chợ tỉnh hay đi mua hàng shop ngoài phố rất tiện nhưng các bà các chị vẫn chọn chợ làng, chợ tổng cho dễ mua.

Hàng cau.  
Hàng cau.  

Trong thúng, trong rổ của người đi chợ phiên Tết về vẫn có tấm áo mới cho con, cho cháu. Nhiều người nghe kể không tin, bảo mươi mười lăm năm trước thì có, chứ giờ người quê cũng ship hàng online rồi.

Đấy là cánh trẻ, dùng điện thoại thông minh, chứ cánh các bà các chị thì cứ phải ra tận nơi, sờ tận tay, mặc thử lên thử xuống mới mua.Thế nên, hàng quần áo ở chợ làng mới rôm rả thế này chứ, nếu ế đọng vốn ai dám buôn bán.

Chợ phiên tháng Chạp hàng chuối xanh ngồi chiếm khắp lối vào. Tết chẳng thể thiếu được ngũ quả nên chuối xanh rất đắt hàng. Nải chuối cân, quả cong, xanh đều, còn đầu ruồi, nhất là được số quả lẻ thì vô cùng được giá. Chuối xanh thường đi kèm bưởi cành, chín vàng, người dễ tính mua ào ào, chứ người cầu kỳ còn ngồi so đo đặt thử.

Hàng hóa ở chợ quê phiên áp Tết.  
Hàng hóa ở chợ quê phiên áp Tết.  

Năm nào cũng sắm ngũ quả, thế mà năm nào cũng thấy hồi hộp như mới. Chuối xanh, bưởi vàng, hồng xiêm nâu, trứng gà dáng đẹp nguyên cành, quất vàng, quýt đỏ, thường là thế, 5 - 6 loại quả này đem về không rửa mà lấy khăn ướt lau, sau đó lại lấy khăn khô tẩm rượu trắng lau lại, bưởi và cam quýt được lau rượu thơm nồng.

Tết cái gì cũng muốn phải mới, từ cái rổ, cái rá cho đến cái khăn trải bàn, bộ ấm chén, cái phích cho đến cái thảm trải ghế. Phía trong cầu chợ đông vòng trong vòng ngoài đã đành, người làng sắm từ đôi chiếu mới cho đến đôi nón lá già đi cấy, đôi nón lá non đội thường.

Khu vực bán đồ mây, tre, đan. Ảnh: Việt Khánh.
Khu vực bán đồ mây, tre, đan. Ảnh: Việt Khánh.

Hình như ai cũng lo ra giêng bận bịu, cấy vụ xuân người ta bỏ chợ hoặc mải chơi hội hết hàng không có mà mua, nên trong năm, sẵn tiền lại tâm lý “mua được là được” nên đắt hàng là phải. Những bà những chị hàng xén đã ôm hàng từ tháng trước, dây buộc tóc cũng cứ hàng bao làm đám lau nhau thích mê. Chúng cứ ngồi lỳ đắn đo mãi không quyết được màu nào. Chị phải bảo:

-  Rẻ thôi, cứ mua lấy cả chục mà buộc theo màu áo.

Thế chúng mới bớt tần ngần khi lấy cái nọ, bỏ cái kia. Lại còn túi to, túi nhỏ những đồ phụ kiện cho chị em, Tết nhất cánh chị em thường mặc áo dài, nên cứ phải “tang áo đệm” cho đẹp, chứ phô ra mà xộc xệch là không có được. Các bà cụ thì tìm mua đôi quần đen, cái áo len tím hoặc gụ, rồi khăn nhung chéo bô đê.

Hàng xén xưa chỉ vài thứ nho nhỏ, lặt vặt, chứ gọi là hàng xén bây giờ chả thúng mủng nào đựng hết, phải cả 2 sọt thồ mới hết hàng và nhiều món to tiền chứ chẳng “vặt” chỉ là kim chỉ, gương lược như xưa.

Cũng trong cầu chợ ấy, hàng bên cạnh lại buôn về áo dài gụ, áo the nam cho các cụ. Có bà cụ lưng còng vẫn chống gậy đi xem hàng. Bà cởi cái áo khoác ngoài ra ai cũng phải ồ lên vì bà vẫn mặc áo mút lào đỏ. Bà bảo:

- Áo con dâu cho, nó mua từ ngày cưới, cũng đã mấy chục năm rồi. Giờ áo đã quắt lại, đưa u mặc, rồi nó bảo sau này cất đi làm kỷ niệm.

Các bà các chị nhìn nhau, đúng là cái áo mút đỏ một thời quý lắm, cô gái làng nào cũng phải có. Người cưới vào mùa rét là cô dâu mặc áo ấy trong áo lon trắng. Bộ đồ cưới xưa cũng giản dị, cô dâu chỉ áo trắng quần sa tanh, tay cầm mùi xoa bên cạnh là chú rể mặc quần âu, sơ vin áo trắng và cài bông hoa hồng ở ngực. Có mỗi cái áo mút bạc màu của bà cụ mà cả một vùng kí ức xưa trở về. Chợ tết nhiều lúc bận tíu tít, nhưng cũng có khi rộn ràng chuyện xưa nay như thế.

Phần lớn những chủ hàng đều xác định những phiên chợ tết này cứ là ngồi đến mãi xế chiều mới về. Hết buổi chợ cũng là vợi chõng hàng. Chưa kể sau này cánh hàng quần áo, vải vóc, chăn ga, thảm trải lưu động cũng đi khắp các chợ phiên vào dịp Tết bắc loa nói oang oang. Vào năm rét mướt cứ xe máy ra mua thảm chở về kìn kìn.

Chợ Tết cũng thường không có giờ, thịt cứ vơi trên phản là chủ hàng lại cho người chở ra con lợn móc hàm tiếp. Tết nhất nhà có khách hoặc con cháu về quê ăn tết với bố mẹ, rồi có thể nấu nồi thịt đông ăn cho tiện bữa kẻo tết nhất chạy đi chạy lại suốt. Hàng thịt đúng là rôm rả quanh năm, cầu hàng rau cũng vậy cứ gánh rau cần chật hết quang ra đến chợ mắt trước mắt sau đã hết. Người tòng teng quang gánh về vừa đi vừa xếp tiền thì cũng là lúc người khác đặt sọt thồ rau vào chỗ trống.

Ngày tết, hàng bánh mứt kẹo tràn ngập không chỉ các cửa hàng mà còn vào đến tận từng quầy hàng của các nhà trong chợ, dịp tết này mới bung ra. Nhìn mứt, kẹo, bánh bày chất ngất nhiều người bảo hoa cả mắt, khác hẳn xưa mứt bán phân phối trong cửa hàng bách hóa của huyện, rồi đưa về quầy của hợp tác xã mua bán.

Mới thế mà đã mấy chục năm, người lại bảo tìm gói mứt nhỏ về bầy lấy không khí tết thôi chứ giờ cũng không còn thích đằng mứt này. Người lại bảo vì ngọt quá nên qua tết bóc ra pha ấm trà uống rồi nhấm nháp cũng được.

Có người còn nhắc, xưa, tết nhất thế này đến người bán kiềng cũng đắt hàng, giờ cũng ít nhà còn đun củi, nên mặt hàng này đã vắng bóng trong chợ. Có người nói:

- Xưa quá rồi, giờ đám trẻ còn không biết nhóm bếp nữa rồi, mưa phùn gió bấc, củi ướt mà nấu được mâm cơm cúng cũng thât là mệt.

- Lại nhất là cô nào dâu mới, gặp phải bà mẹ chồng khó tính cũng đến khổ...

Chuyện như ngô rang, có người lại nói:

- Chả đâu xa, năm ngoái, năm nay cũng đã khác. Tết nhất đến nơi rồi mà năm nay dịch dã, còn người còn của, chứ có nhà vì dịch mà mất người thì còn tết nhất gì nữa. (Không khí chợt lặng đi).

- Cứ nhìn đường không tắc, sức mua giảm, tiền trong túi ít lại thấy buồn. Thôi thì chặng này khó khăn chung, hy vọng năm mới, vận mới mọi sự sẽ dần qua, sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng sẽ dần dà trở lại nếp cũ.

Tôi nghe thấy cả, đường về phố giáp tết mà không tắc, không đông, các cửa hàng cũng không tấp nập người bán mua, đến siêu thị cũng không đông như mọi năm. Chuối cam, bưởi bòng, phật thủ và hoa vẫn kìn kìn về chợ phố, hay nép mình bên đường chờ khách thế nhưng ai cũng thấy, thấy rõ rằng tết con hổ này sức mua giảm nhiều. Dịch dã hoành hành cả năm, vốn liếng chung riêng cạn kiệt, thôi thì lấy an lành làm vui.

Đào đã về khắp phố, cùng với quất vàng và các loại hoa dành cả vụ cho Tết và Xuân. Hoa rực rỡ như chưa từng gian khó, hoa phơi phới sắc xuân như chưa từng bão giông. Có phải hoa vô tình không hiểu những bối rối trong lòng người?

Không. Hoa và mùa Xuân đã mang đến và tặng cho ta mùa Xuân mới, của nghị lực và tin yêu đã trở về sau  tất cả những gì đã trải.

Cùng đón nhận trong ấm nồng, thiết tha.