Phấn đấu đến năm 2030, Gia Lai trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên

23/05/2022 17:00 congluan.vn

Theo đó, ngày 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến nay; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

 

Trăn trở của Thủ tướng đối với Gia Lai

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển của cả nước. Thủ tướng điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới, độ bao phủ rừng, cải cách hành chính, bảo vệ an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... của Gia Lai thời gian qua.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những ấn tượng với Gia Lai, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo đó, ấn tượng lớn nhất là Gia Lai có tiềm năng rất lớn về con người với dân số 1,5 triệu người, đây sẽ là yếu tố giúp Gia Lai phát triển nhanh và bền vững nếu biết phát huy tốt; bề dày, bản sắc truyền thống lịch sử - văn hóa - cách mạng, đoàn kết, thống nhất, yêu nước; điều kiện tự nhiên thuận lợi với diện tích lớn thứ 2 cả nước, đất trồng trọt, trồng cây công nghiệp chiếm diện tích lớn, những tiềm năng về khoáng sản, thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió...

Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lớn, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Trăn trở thứ 2 là việc phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập, việc kết nối Gia Lai và Tây Nguyên với khu vực xung quanh, với các cảng biển còn khó khăn. Hiện, các dự án giao thông để thực hiện mục tiêu này đang được triển khai.

Trăn trở thứ 3 của Thủ tướng là tỉnh đã có sự tự tin vươn lên từ nội lực nhưng chưa lớn. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn để đi lên, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Tư tưởng phải thông, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Trăn trở thứ 4 của Thủ tướng là các bộ, ngành đã quan tâm tới tỉnh nhưng chưa nhiều, cần phải quan tâm hơn nữa, làm sao để "lãnh đạo các bộ, ngành vào đây nhiều hơn còn lãnh đạo Gia Lai phải ra Trung ương ít hơn".

Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp còn hạn chế.

phan dau den nam 2030 gia lai tro thanh vung dong luc cua khu vuc tay nguyen hinh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

Mạnh dạn cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cần thiết

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, Gia Lai cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để "khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia".

Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ tiêm chủng vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ.

 Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ cùng với Gia Lai để tìm đối tác triển khai đầu tư cao tốc Pleiku-Quy Nhơn theo hướng dự án hợp tác công tư. Tỉnh thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiết kiệm ngân sách, tham gia bố trí nguồn vốn cho dự án này để có đường ra biển nhanh chóng, thuận tiện.

Thủ tướng cũng yêu cầu Gia Lai phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 vừa ban hành. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, tỉnh cần mạnh dạn cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cần thiết, tránh manh mún, dàn trải, kéo dài, tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa cao... Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông…

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục nâng hạng các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút doanh nghiệp có tiềm lực trong nước, quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia...

Thủ tướng đề nghị tỉnh khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành tập trung tổng kết Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010" trình Chính phủ trong quý III, để báo cáo các cấp có thẩm quyền càng sớm càng tốt. Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng và Chính phủ đã có chỉ đạo, đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ công tác để triển khai.