PG Bank: “Chơi chiêu” thoát lỗ, “hôn sự” không thành

27/03/2021 07:26 congluan.vn
Năm 2020, PG Bank báo lợi nhuận tăng vọt. (Ảnh minh họa).

Năm 2020, PG Bank báo lợi nhuận tăng vọt. (Ảnh minh họa).

“Chơi chiêu” thoát lỗ

Cùng với Ngân hàng Xây dựng (CB Bank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) là 2 đơn vị có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, chỉ 3.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc PG Bank kinh doanh hiệu quả thấp là điều không bất ngờ. Bất ngờ ở chỗ năm 2020, PG Bank báo lợi nhuận tăng vọt.

Cụ thể, năm 2020, PG Bank đạt lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng, tăng 95,4 tỷ đồng, tương đương 128% so với năm 2019. 2020 cũng là năm PG Bank lập kỷ lục về lợi nhuận.

Lợi nhuận tăng cao và lập kỷ lục chưa hẳn đã mang tới cho PG Bank một bức tranh sáng sủa. Đó là bởi vì con số khả quan này có được nhờ PG Bank phải dùng “thủ thuật” kế toán.

Cụ thể, trong năm 2020, thu nhập lãi thuần tăng rất chậm, từ 855 tỷ đồng lên 906 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều hoạt động lại sụt giảm. Lãi từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối giảm từ 32,6 tỷ đồng xuống 30 tỷ đồng và từ 50,6 tỷ đồng xuống 31,5 tỷ đồng.

Thu nhập giảm nhưng chi phí lại tăng mạnh. Chi phí hoạt động tăng 93 tỷ đồng, tương đương 16,5% lên 655 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ từ 555 tỷ đồng xuống 493 tỷ đồng.

Thế nhưng, như đã nói ở trên lợi nhuận sau thuế 2020 của PG Bank vẫn tăng 128%. Có được điều này là do PG Bank mạnh tay cắt giảm dự phòng rủi ro tín dụng. Trong năm 2020, chi phí này chỉ là 281 tỷ đồng, giảm 185 tỷ đồng, tương đương 39,7% so với năm 2019.

Nếu PG Bank giữ nguyên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng như năm 2019 thì năm 2020, ngân hàng đã thua lỗ 15 tỷ đồng.

PG Bank cắt giảm chi phí dự phòng trong bối cảnh nợ xấu giảm từ 749 tỷ đồng xuống 626 tỷ đồng. PG Bank cho biết lũy kế đến 31/12/2020, PG Bank thu xử lý nợ được 685,5 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch.

Cụ thể, ngân hàng thu nợ xấu nội bảng đạt 332,1 tỷ đồng đạt 165% kế hoạch. Thu xử lý nợ ghi nhận vào thu nhập bao gồm (thu lãi nợ xấu, thu gốc + lãi sử dụng dự phòng) là 252 tỷ đồng đạt 135% kế hoạch. Thu nợ đã bán cho VAMC là 101,4 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, năm qua, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại chưa cơ cấu lại nợ. Vì thế, nợ xấu thực tế có thể cao hơn sổ sách.

“Hôn sự” không thành

Một trong những vấn đề giới đầu tư đang theo dõi PG Bank đó là “hôn sự”. Sau nhiều “hôn sự” thất bại với VietinBank, MB Bank, PG Bank được tin là sớm về một nhà với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).

PG Bank ký hợp đồng sáp nhập vào HDBank từ tháng 4/2018, và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc. Nhưng đến ĐHĐCĐ thường niên 2020 của HDBank được tổ chức vào ngày 13/6/2020, lãnh đạo HDBank vẫn cho biết thương vụ mới dừng lại ở việc “hoàn thiện hồ sơ sáp nhập để nộp Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng đang xem xét”.

Tới mùa ĐHĐCĐ năm nay, thương vụ đó một lần nữa được PG Bank chủ động nhắc tới. Trong tài liệu phục vụ Đại hội, PG Bank trình cổ đông phương án dừng sáp nhập.

Hội đồng quản trị PG Bank cho biết: “Tháng 04/2018, ĐHĐCĐ đã thông qua nội dung sáp nhập PG Bank vào HDBank. Mặc dù, hai ngân hàng đã khẩn trương, tích cực triển khai giao dịch sáp nhập cũng như đàm phán các nội dung liên quan. Hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018.

Tuy nhiên, cho đến nay giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PG Bank. Do vậy, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 xem xét thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập PG Bank vào HDBank”.

Trước đó, PG Bank vướng phải tin đồn đang bị Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) thâu tóm. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ của Maritime Bank, ngân hàng này phủ nhận tin đồn.

Có thể thấy, tại thời điểm này, bài toán nan giải của PG Bank là bài toán cổ đông vẫn bị chưa được tháo gỡ. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn là cổ đông lớn nhất tại PG Bank với tỷ lệ nắm giữ lên đến 40%, vượt xa “room” mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Hà Anh