Nợ xấu tại nhiều công ty tài chính tiêu dùng tăng vọt

31/08/2022 17:00 daidoanket.vn
Nợ xấu
Nợ xấu  tại nhiều công ty tài chính tiêu dùng tăng vọt do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tính đến cuối tháng 6/2022, số dư nợ xấu của ngân hàng là 20.625 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5,25%.

Nguyên nhân nợ xấu gia tăng được cho là do nhóm dư nợ thuộc về công ty con - Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit.

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDrirect, lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng của FE Credit chỉ đạt khoảng 130 tỷ đồng, giảm tới 89% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi kế hoạch cả năm là 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

VNDirect cho rằng, sự sụt giảm biên lãi ròng (NIM) cùng chi phí dự phòng tăng mạnh khiến lợi nhuận của FE Credit lao dốc.

Tính đến cuối tháng 6/2022, công ty tài chính này ghi nhận nợ xấu tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tỷ lệ nợ xấu lên 15,1%.

Ngoài VPBank, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng đang chịu áp lực nợ xấu đến từ công ty con - Công ty Tài chính TNHH MB SHINSEI (MCredit).

Tính đến cuối quý II/2022, tỷ lệ nợ xấu của MBBank nằm trong nhóm thấp nhất, nhưng tăng 1,2% so với cuối năm 2021 và tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 13,6%. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng đáng kể lên 1.826 tỷ đồng, tăng 44% so với quý trước và tăng 224% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của MCredit đạt khoảng 600 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ, tuy nhiên chất lượng tài sản lại có xu hướng kém đi.

Trong nửa đầu năm nay, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit, MCK: TIN, UPCoM) cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh 11% so với đầu năm, lên hơn 525 tỷ đồng; trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh so với đầu năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, TIN báo lãi trước thuế chỉ hơn 49 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ, chủ yếu do lỗ thuần từ dịch vụ và phải tăng dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 40%.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng do việc tiếp cận khách hàng mới cũng như thu hồi nợ khách hàng hiện hữu gặp khó khăn. Đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng là người lao động, công nhân lại bị sụt giảm thu nhập.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện hàng loạt các ứng dụng cho vay tiêu dùng trực tuyến cũng khiến thị phần của các công ty tài chính tiêu dùng bị sụt giảm trong thời gian qua.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng nhiều khả năng sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2022 và dự kiến tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2023.

Gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng với hạn mức và thời hạn khoản vay sẽ linh hoạt cho từng đối tượng và mức lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất thị trường đang thu hút sự chú ý của nhiều người dân lao động. Gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các công nhân lao động giải quyết khó khăn, hạn chế tín dụng đen, mà còn giúp các công ty tài chính tiêu dùng tăng tiếp cận khách hàng và tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Mục đích của Kế hoạch là tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" và các nội dung tại Đề án.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề án cũng nhắc tới các giải pháp hỗ trợ về điều hành chính sách tiền tệ; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngành ngân hàng; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường công tác truyền thông.