Nợ thuế vẫn cao

13/01/2022 13:21 daidoanket.vn

Trong khi Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế thì tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục gia tăng, nhiều doanh nghiệp vin vào cớ dịch Covid-19 không chịu nộp thuế.

Ngành thuế cho biết, sẽ đẩy mạnh việc thu hồi nợ thuế.
Ngành thuế cho biết, sẽ đẩy mạnh việc thu hồi nợ thuế.

Nợ tiền thuế đất tăng

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai danh sách 214 đơn vị có số nợ thuế, phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất. 

Theo đó, trong danh sách này có 2 đơn vị nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất kỳ khóa sổ 31/10/2021 với số nợ còn lại đến 25/12/2021 là 36 tỷ đồng. Đó là Trung tâm kỹ thuật điện ảnh và Công ty Cổ phần kinh doanh và xây dựng nhà.

Bên cạnh đó, cũng có 187 đơn vị nợ thuế, phí kỳ khóa sổ 31/10/2021 với số nợ còn lại đến 25/12/2021 là 57,1 tỷ đồng.

Có thể kể đến những cái tên như: Chi nhánh Đội tàu nạo vét - Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô (nợ hơn 1,6 tỷ đồng); Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương (nợ hơn 1,2 tỷ đồng); Công ty TNHH Ẩm thực Hòa Phát (nợ 2,8 tỷ đồng),...

Trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh, số liệu sơ bộ cũng cho biết, số nợ thuế tại Cục Thuế hiện nay là trên 35.000 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, có nhiều nguyên nhân khiến số nợ thuế ước tại thời điểm 31/12/2021 tăng so với thời điểm 31/12/2020.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội dẫn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, dẫn đến tài sản đã thế chấp tại ngân hàng chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.

Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc, chưa đi vào hoạt động, khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, giải quyết đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, cơ quan thuế tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, vẫn còn một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo Nghị định, Quyết định của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, cơ quan Thuế đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Tổng cục Thuế cũng chỉ ra, còn có tình trạng một số người nộp thuế thực hiện kê khai phát sinh thuế phải nộp, không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi dụng dịch bệnh, chây ỳ, chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.

Quyết liệt thu hồi nợ

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2021, toàn ngành Thuế thu hồi được 25.100 tỷ đồng, đạt 83,4% chỉ tiêu thu nợ giao, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ đạt 17.705 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ đạt 7.395 tỷ đồng.

Năm 2022, Tổng cục Thuế sẽ rà soát, tính toán giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cục thuế. Các cục thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, chi cục thuế, từng đội thuế, từng công chức thuế, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra.

Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ để có giải pháp đôn đốc thu nợ.

Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan như: cơ quan công an, ngân hàng nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư, cơ quan quản lý thị trường... trong việc thu hồi tiền thuế nợ, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đặt mục tiêu thực hiện điện tử hóa trong khâu ban hành thông báo nợ, phân công, phân loại nợ, thu gọn lại các nhóm nợ thuế, phân loại đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước để thực hiện thu tiền nợ thuế và khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật khi Nhà nước đẩy mạnh thanh toán vốn đầu tư công theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.