Nở rộ các loại app “tín dụng đen” lãi mẹ đẻ lãi con khiến hàng nghìn người điêu đứng

18/11/2021 06:15 Vũ Ninh

Khủng hoảng vì vay tín dụng đen qua ứng dụng

Mới đây, một nữ sinh tại Sài Gòn phải cầu cứu cơ quan chức năng vì bị đe dọa, khủng bố tinh thần đến hoảng loạn. Chỉ từ vài triệu đồng vay ban đầu, sau 1 năm, số tiền gốc và lãi đã lên gần 300 triệu đồng.

Trước đó, tháng 11-2020, T. đem tiền đi đóng học phí nhưng không may làm mất. Không dám nói với gia đình, T. vay tiền qua một app (ứng dụng) cho vay. Số tiền vay 5 triệu nhưng số tiền thực nhận chỉ gần 4 triệu đồng.

T. đi làm thêm nhưng vẫn không đủ trả tiền gốc và lãi. Đến khi đáo hạn, T. không đủ tiền và được chính người của app này giới thiệu vay tiếp ở một app vay tiền khác. Cứ như vậy, một năm nay, T. phải vay app này, trả app kia nhưng vẫn không thể giải quyết được dứt điểm số tiền gốc và lãi.

Tính đến tháng 11-2021, số tiền gốc và lãi T. nợ hàng chục app khác nhau với số tiền hơn 274 triệu đồng. T. liên tục bị chủ nợ gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần. Quá hoảng loạn, T. báo cho gia đình.

Hiện T. đã được gia đình đưa về quê, cách ly hoàn toàn với các thiết bị điện tử để tránh tiếp xúc với chủ nợ. Gia đình T. đang tìm cách giải quyết nhưng các chủ nợ không gặp trực tiếp, chỉ gọi điện, nhắn tin nên chưa biết xử lý thế nào.

Nhiều trường hợp khác cũng rơi vào cảnh nợ nần, bị khủng bố tinh thần do vay tiền lãi mẹ đẻ lãi con thông qua các app tín dụng đen.

Anh P. V.Q. (1987), trú quận Hải Châu, Đà Nẵng có đơn trình báo về việc bị các đối tượng không rõ lai lịch thường xuyên gọi điện, nhắn tin hăm doạ đòi nợ. Các đối tượng còn gọi điện thoại quấy rối người thân và bạn bè, đồng nghiệp ở công ty.

Nguyên nhân xuất phát từ việc anh Q. vay “nóng” một khoản tiền qua các ứng dụng, app vay tiền online.

Lãi mẹ đẻ lãi con khi vay tiền qua app (ứng dụng)

Anh Q. kể, thời gian gần đây, anh thường xuyên nhìn thấy nhiều quảng cáo trên mạng xã hội, trang web về các app vay tiền online. Hình thức vay tín chấp với thủ tục đơn giản cùng cam kết bảo mật, an toàn và giải ngân nhanh chóng. Đang lúc túng quẫn, anh Q. quyết định vay một số tiền để “chữa cháy”.

Sau khi tìm hiểu, anh Q. đã vay tiền từ 2 app là “ví Ong Vàng” và “ví Hướng Dương” với số tiền 2 triệu đồng. Thời gian vay trong vòng 5 ngày và phải trả 2,1 triệu đồng.

Anh Q. cho biết, các thủ tục vay rất đơn giản. Sau khi tải app, anh điền thông tin cá nhân theo mẫu có sẵn, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân. App cũng yêu cầu anh cho phép truy cập danh bạ và ảnh cá nhân trước khi được phê duyệt.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất các thủ tục vay, số tiền thực nhận của anh Q. chỉ là 1 triệu đồng. Đáng nói hơn, do anh Q. chưa có tiền trả đúng hẹn, đến ngày thứ 6 thì anh nhận được thông báo phải trả thêm 300.000 đồng tiền trễ hạn. Mỗi ngày chậm trả, số tiền anh Q. phải thanh toán tăng thêm 300.000 đồng và được báo liên tục về app điện thoại.

Theo tường trình, anh Q. bị “khủng bố” và thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ người lạ đe dọa, cắt ghép hình ảnh cá nhân tung lên mạng. Người thân trong danh bạ điện thoại, bạn bè trên Zalo cũng liên tục bị quấy rầy.

“Qua sự việc này, tôi cũng muốn cảnh báo người dân không nên tin vào những app vay tiền online này. Cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thực hiện, tránh dính phải “quả đắng” như mình”, anh Q. nói thêm.

Nở rộ hình thức vay tiền qua app

Thời gian gần đây, mô hình cho vay tiền qua ứng dụng (App) có xu hướng ngày càng nở rộ. Người vay chỉ cần tải ứng dụng vay tiền về điện thoại di động, đăng ký thông tin cá nhân và gửi yêu cầu vay. Chỉ vài giờ sau đó, tiền sẽ được gửi vào tài khoản cá nhân.

Điều đáng nói, có những ứng dụng cho vay chỉ tồn tại dưới dạng ứng dụng điện thoại di động, không có thêm bất kỳ thông tin về đơn vị quản lý.

Chẳng hạn ứng dụng “VDong", "I Dong..”, triển khai cho vay trên điện thoại nhưng không thể tìm được công ty chủ quản, chỉ được một số website quảng cáo là ứng dụng vay tiền nhanh trực tuyến, vay tiền tín chấp nhanh, an toàn và bảo mật.

Khách hàng ở khắp 63 tỉnh thành có thể vay tín chấp qua điện thoại, bên cho vay sẽ chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của người vay sau 4 giờ làm việc, với thời hạn vay 60-120 ngày.

Cuối tháng 10, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã triệt phá một đường đây cho vay nặng lãi, tín chấp bằng ảnh khiêu dâm.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thông qua tài khoản cá nhân trên trang web mecash.vn, vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỉ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỉ đồng.

Trong khi đó, về lãi suất, ở một số nền tảng khác dù quảng cáo cho vay 10 triệu đồng với lãi suất 0% trong 10 ngày. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục, người dùng mới tá hỏa khi thấy thời hạn phải thanh toán rút xuống còn 3 - 4 ngày.

Những ứng dụng vay tiền đang nở rộng như một hình thức chiếm đoạt tài sản kiểu mới

Với chính sách mập mờ, nếu thanh toán chậm hoặc vi phạm quy định thì người dùng sẽ bị cộng dồn nợ, thậm chí mất cả trăm triệu đồng khi vay tiền qua app online.

Chưa hết, hiện nay còn xuất hiện tình trạng giả mạo các tổ chức tài chính công nghệ (Fintech) để lừa đảo khách hàng. Vừa qua, một Fintech trong lĩnh vực thanh toán điện tử đã phải đưa ra cảnh báo về tình trạng này.

Đại diện Bộ Công an cho biết, app vay tiền online thực chất là ứng dụng cho vay tín chấp. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua trang web hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.

Việc giao dịch qua app rất dễ dàng, người vay chỉ cần điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp, chứng minh nhân dân và đồng ý cho app truy cập danh bạ điện thoại.

Một số người trước khi quyết định vay tiền qua app không tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí và hạn mức trả nợ nên gặp nhiều rắc rối.

Trường hợp bị lừa đảo hoặc đe dọa, công dân có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an kèm các tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Đối với các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, khủng bố người vay thì có thể bị xử lý với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).