Những trọng tâm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2022

25/05/2022 09:15 congluan.vn

Sau 2 năm tổ chức trực tuyến, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos đã lại một lần nữa được tổ chức ở Thụy Sĩ, vào thời điểm khi xung đột đang bùng phát ở Ukraine, Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại suy thoái, trong bối cảnh giá cả tăng cao, làm gia tăng tình trạng đói và nghèo trên toàn cầu.

“Cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm nay sẽ là cuộc họp thường niên kịp thời và có kết quả nhất kể từ khi diễn đàn được thành lập cách đây hơn 50 năm”, người sáng lập WEF Klaus Schwab nói với các phóng viên trước cuộc họp.

Ông Schwab nói: “Các cuộc xung đột, dịch bệnh và khủng hoảng khí hậu, đã làm trật bánh phục hồi toàn cầu. Những vấn đề đó phải được đối mặt tại Davos; đặc biệt là cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cần phải sự quan tâm ngay lập tức".

Hơn 2.500 người tham gia từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau sẽ tham gia hội nghị kéo dài 5 ngày bắt đầu từ Chủ nhật (22/5), bao gồm hơn 50 nguyên thủ quốc gia và quan chức chính phủ.

Các nguyên thủ chính bao gồm ông Olaf Scholz, Thủ tướng mới của Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry. Tổng thống Rwandan Paul Kagame và nhà lãnh đạo Colombia Ivan Duque dự kiến ​​cũng sẽ tham dự.

Davos, nơi thường xuyên tổ chức các Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: Reuters

Cuộc xung đột ở Ukraine dự kiến ​​sẽ là tâm điểm chính tại cuộc họp ở Davos năm nay, với việc các quan chức hàng đầu của chính phủ Ukraine sẽ đích thân tới tham dự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy dự kiến ​​sẽ phát biểu trước diễn đàn. Nga sẽ không tham dự WEF năm nay, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Chủ tịch WEF Borge Brende nói: “Tôi khẳng định rằng đó là quyết định đúng đắn''.

Lần gần nhất trước đây WEF được tổ chức ở Davos, Covid-19 vẫn chưa được phát hiện. Hai năm sau, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và tiếp tục chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau 2 năm, hàng triệu người, chủ yếu là phụ nữ, vẫn chưa tham gia lại lực lượng lao động, hàng trăm nghìn trẻ em buộc phải bỏ học ở các nước đang phát triển, trong khi các doanh nghiệp sống sót sau cuộc khủng hoảng vẫn đang lỗ.

Phục hồi sau đại dịch là một chủ đề chính khác trong chương trình nghị sự, với một loạt các phiên họp dành riêng cho vấn đề này. Cuộc họp trực tiếp đầu tiên của WEF sau đại dịch ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 1 như trước đây, nhưng việc biến thể Omicron bùng phát đã khiến cuộc họp bị hoãn.