Nhu cầu vàng Châu Á không ngừng giảm, giá sẽ đi về đâu?

10/05/2021 07:01 toquoc.vn

 

Mukesh Kothari, giám đốc đại lý vàng bạc RiddiSiddhi Bullions ở Mumbai, cho biết hoạt động mua bán lẻ vàng gần như đã ngừng lại khi các cửa hàng trang sức đóng cửa trên toàn quốc.

"Thứ tự ưu tiên (các hoạt động của người dân) đã thay đổi. Mọi người đang cố gắng bảo vệ mình khỏi coronavirus hơn là bước ra ngoài để mua vàng", ông nói.

Hầu hết các bang của Ấn Độ đã áp dụng lệnh phong tỏa khi số ca nhiễm Covid-19 không ngừng lập những kỷ lục mới.

Một đại lý của một ngân hàng nhập khẩu vàng, có trụ sở tại Mumbai, cho biết, do không có hoạt động mua lẻ nên các tiệm kim hoàn cũng đã ngừng mua vàng nguyên liệu.

Các đại lý tuần qua đã giảm giá tới 3 USD cho mỗi ounce vàng so với giá tham chiếu chính thức của nước này (giá bao gồm 10,75% thuế nhập khẩu và 3% phí bán hàng), so với mức giảm 2 USD cách đây một tuần.

Ông Bernard Sin, giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc thuộc MKS Switzerland cho biết: "Thị trường Châu Á tương đối yên tĩnh vì nhiều người lo ngại về sự lây lan rộng hơn của Covid-19 ở Ấn Độ, sẽ dẫn đến các biện pháp ngăn chặn quyết liệt dịch bệnh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương".

Tại Trung Quốc, mức cộng giá vàng trong nước so với giá tham chiếu quốc tế tuần qua gần như không thay đổi so với tuần trước đó vì thị trường đóng cửa nghỉ gần suốt tuần nhân dịp Quốc tế Lao động. Mức cộng giá vàng tại Trung Quốc đại lục, tuần qua là 7 – 10 USD/ounce, so với + 8 đến + 10 USD trước đó một tuần.

Tại Hồng Kông, mức cộng này là 0,8 đến 1,8 USD/ounce, trong khi ở Singapore là 1,5 đến 2,0 USD/ounce; cả 2 thị trường đều không thay đổi so với tuần trước.

Tại Nhật Bản, giá vàng đã được bán ở mức cao nhất là + 0,50 USD/ounce sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, trong bối cảnh Chính phủ thiết lập tiinfh trạng khẩn cấp do số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng đột biến.

"Mọi người sẽ tiếp tục ở nhà lâu hơn và nhu cầu có thể vẫn yếu trong một thời gian nữa, trừ khi giá vàng tính theo yen Nhật giảm mạnh", Reuters dẫn lời một một nhà kinh doanh vàng ở Nhật Bản cho biết.

Tại Việt Nam, giá vàng tuần qua biến động mạnh theo xu hướng tăng.

Theo đó, giá vàng miếng trong nước được các doanh nghiệp niêm yết khi thị trường giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 – 1/5 ở mức 55,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,80 triệu đồng/lượng (bán ra), và tới cuối tuần là 55,65 triệu đồng/lượng mua vào và 56,1 triệu đồng/lượng bán ra.

Nhu cầu vàng giảm trên toàn cầu

Trên thực tế, nhu cầu vàng trên toàn cầu đã giảm từ quý I/2021, xuống mức thấp nhất kể từ 2008, khi các nhà đầu tư Châu Âu và Bắc Mỹ bán mạnh, mặc dù người tiêu dùng Châu Á khôi phục việc mua vào.

Theo truyền thống, được coi là một tài sản an toàn nên các nhà đầu tư đã mua vàng với số lượng chưa từng có vào năm ngoái khi dịch Covid-19 quét qua kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, chính sách phong tỏa để ngăn chặn đại dịch đã làm sụt giảm nghiêm trọng doanh số bán đồ trang sức bằng vàng, vàng miếng và tiền xu ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, thường là những thị trường nhập khẩu vàng thỏi lớn nhất thế giới.

Sang năm 2021, tình hình thị trường đã đảo ngược so với năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục nên các nhà đầu tư giảm vị thế mua vàng, trong khi người tiêu dùng ở Châu Á trở lại quan tâm đến vàng.

Tuy nhiên, đợt dịch bệnh tái bùng phát lại dập tắt nhu cầu mua vàng của người dân Châu Á.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng trên toàn cầu trong quý 1/2021 là 815,7 tấn, giảm 23% so với quý 1/2020, dù ngang bằng với mức nhu cầu của quý 4/2020.

Đây là mức tiêu thụ quý 1 thấp nhất trong vòng gần một thập kỷ.

Trong đó, nhu cầu đầu tư vàng giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 161,5 tấn, do các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) từ chỗ mua ròng 299,1 tấn vàng trong quý 1/2020 chuyển sang bán ròng 177,9 tấn vàng trong quý 1 năm nay.

Trái lại, nhu cầu đầu tư vào vàng miếng và tiền xu vàng của nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng 36%, đạt 339,5 tấn do giá vàng giảm mạnh.

Giá vàng thế giới giảm khoảng 9,5% trong quý 1/2021, còn tính chung trong 4 tháng đầu năm nay giảm khoảng 6%.

Nhu cầu vàng Châu Á không ngừng giảm, giá sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Nhu cầu vàng toàn cầu

"Giá vàng giảm sâu và sự phục hồi kinh tế trong quý 1/2020 đã dẫn tới phản hồi rất tích cực từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phong toả", nhà phân tích cấp cao Louise Street thuộc Hội đồng Vàng Thế giới phát biểu.

Giá vàng thế giới giảm khoảng 9,5% trong quý 1 và tính từ đầu năm đến ngày 30/4 đã giảm khoảng 6%.

Nhà phân tích cấp cao Louise Street thuộc Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nhu cầu vàng miếng và tiền xu vàng toàn cầu tăng mạnh trong quý 1 năm nay còn do một nguyên nhân quan trọng: Nhu cầu này đã giảm sâu trong quý 1/2020 khi Covid trở thành đại dịch toàn cầu.

Ngoài yếu tố giá giảm về mức hấp dẫn, các nhà đầu tư cá nhân cũng mạnh tay mua vàng miếng và tiền xu vàng trong quý 1 năm nay vì muốn phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Nhu cầu vàng trang sức toàn cầu tăng 52% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 477,4 tấn, theo Hội đồng Vàng Thế giới.

"Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là những đầu tàu chính của sự tăng trưởng này".

Nhu cầu vàng của Trung Quốc - thị trường vàng lớn nhất thế giới - trong quý 1 năm nay đã hồi phục ngoạn mục lên 286,4 tấn, cao nhất kể từ quý 1/2017.

Trong đó, mhu cầu nữ trang tăng 212%, đạt 191,1 tấn, mức cao nhất trong 1 quý kể từ năm 2015.

Đây là sự kết hợp của các yếu tố gồm điều kiện kinh tế được cải thiện, giá vàng giảm, nhu cầu tăng trong dịp Tết nguyên đán, ngày lễ Tình nhân và ngày Quốc tế Phụ nữ.

Về khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết Việt Nam là thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất khu vực, nằm trong nhóm 10 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới, đóng vai trò quan trọng trên thị trường vàng toàn cầu và có tiềm năng tăng trưởng.

Năm 2019, nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đối với vàng khoảng 56,4 tấn, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam, được công bố tại Hội nghị ban chấp hành Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam diễn ra ngày 26/4 vừa qua về kết quả nghiên cứu được thực hiện ở thị trường Việt Nam (vào tháng 3/2020 với 2.000 nhà đầu tư tham gia khảo sát) cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng là rất lớn khi người Việt tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài.

Đồng thời, những nhu cầu mới về vàng cũng phát sinh theo như mua vàng trên các nền tảng kỹ thuật số hoặc mua vàng thông qua một kênh có sẵn như ngân hàng…

Cụ thể, kết quả khảo sát khoảng 2.000 nhà đầu tư cho thấy, vàng là sản phẩm ưu tiên hàng đầu của 68% nhà đầu tư; nhu cầu mua vàng ở Việt Nam vẫn còn rất mạnh với 72% đã đầu tư vào vàng trong 1 năm gần đây.

Thị trường vàng Việt Nam có triển vọng tích cực với 81% người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng, con số này mạnh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45%.

Ngoài ra, có 76% người được hỏi ủng hộ việc có thể mở tài khoản đầu tư vàng tại ngân hàng nhằm hỗ trợ mạnh và chính thức hóa thị trường vàng tài khoản…

Nhu cầu vàng Châu Á không ngừng giảm, giá sẽ đi về đâu? - Ảnh 2.

Nhu cầu vàng của Trung Quốc và Ấn Độ

Nhu cầu vàng của ngành công nghệ toàn cầu tăng 11% trong quý 1, đạt 81,2 tấn, trong đó lĩnh vực điện tử chiếm khoảng 13% của phần tăng thêm này, báo cáo cho hay.

Dù vậy, phản ứng tích cực của người tiêu dùng "không đủ để bù lại tốc độ bán tháo vàng ồ ạt của các quỹ dịch hối đoái, sau khi các quỹ này mua ròng vàng nhiều kỷ lục trong năm ngoái", bà Street nhấn mạnh.

Trong khi các quỹ dịch hối đoái thị trường phương Tây bán ròng vàng, thì các quỹ dịch hối đoái ở khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, lại mua ròng.

Các quỹ dịch hối đoái – tích trữ vàng cho các nhà đầu tư phương Tây – đã bán ra 177,9 tấn vàng, nhiều nhất kể từ quý 4/2013.

Nhu cầu vàng Châu Á không ngừng giảm, giá sẽ đi về đâu? - Ảnh 3.

Lượng vàng các quỹ giao dịch hối đoái nắm giữ

Chính việc các quỹ giao dịch hối đoái bán mạnh đã đẩy giá vàng giảm từ mức cao kỷ lục 2.072,50 USD/ounce của tháng 8/2020 xuống khoảng 1.700 USD vào tháng 3/2021, làm tăng nhu cầu vàng từ khách hàng Châu Á – thường có quyết định mua vàng vào khi giá giảm và bán ra khi giá tăng.

Tốc độ bán vàng của các quỹ dịch hối đoái đã chậm lại đáng kể trong tháng 4, đẩy giá vàng hồi phục lên 1.800 USD/ounce.

Nhà phân tích Krishan Gopaul của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết cả nhu cầu tiêu dùng và đầu tư vàng có thể sẽ vẫn vững chắc trong năm nay, mặc dù thấp hơn mức đỉnh cao của thời gian gần đây.

Hội đồng Vàng Thế giới cho biết các ngân hàng trung ương trong quý đầu tiên của năm nay đã mua 95,5 tấn vàng, nhiều nhất kể từ quý 2/020 nhưng ít hơn đáng kể so với mức thông thường trong năm 2018 và 2019.

Nhu cầu vàng Châu Á không ngừng giảm, giá sẽ đi về đâu? - Ảnh 4.

Nhu cầu vàng thế giới

Dự đoán về giá vàng ở thời điểm hiện tại có độ chính xác không cao do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và các ngân hàng trung ương đã duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng quá lâu nên nếu kinh tế có những dấu hiệu hồi phục tốt thì các ngân hàng này sẽ nhanh chóng siết chặt chính sách, gây bất lợi cho vàng.

Mặc dù vậy, trong khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, các nhà phân tích và các doanh nhân nhìn chung hạ dự báo về giá vàng, trong đó đa số cho rằng khả năng giá trở lại mức cao kỷ lục như năm ngoái sẽ rất khó xảy ra do kinh tế thế giới hồi phục làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một địa chỉ trú ẩn an toàn, kết quả khảo sát của Reuters tiến hành hôm 27/4 cho thấy.

Cuộc khảo sát mới đây nhất của Reuters diễn ra vào cuối tháng 4, đối tượng là 42 nhà phân tích và doanh nhân, qua đó cho thấy kết quả dự báo giá vàng trung bình năm 2021 sẽ là 1.784 USD/ounce, và năm 2022 sẽ là 1.743 USD/ounce – giảm mạnh so với các mức tương ứng là 1.925 USD và 1.908 USD trong cuộc khảo sát tháng 3/2021.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng hầu hết các yếu tố (đẩy giá vàng tăng trong thời gian qua) đang mờ dần.

Tuy nhiên, nhu cầu vàng ở Châu Á đang hồi phục mạnh mẽ sau khi sụt giảm trước đó do đại dịch Covid-19 sẽ ngăn giá vàng giảm mạnh.

Tham khảo: Reuters/Hội đồng Vàng Thế giới