Nhờ đâu cổ phiếu ngân hàng đồng loạt 'khởi nghĩa'?

18/02/2022 08:02 toquoc.vn

Sau những ngày giao dịch lình xình đầu tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng trở lại trong phiên 17/2 và là động lực quan trọng giúp cả 3 chỉ số chính đóng cửa trong sắc xanh.

Dù dòng tiền lớn vẫn chưa quay lại, nhưng với việc nhóm 'cổ phiếu vua' được kéo tăng vọt trong ngày đáo hạn phái sinh giúp VN-Index "bay" theo, dễ dàng vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm trong phiên hôm này.

Đóng cửa buổi chiều, có 19 trong tổng số 27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM tăng giá, chỉ 4 mã giảm giá và 4 mã đứng giá tham chiếu.

Trong đó, VIB là mã có mức tăng mạnh nhất ngày hôm nay ( 2,6%) với khối lượng giao dịch đạt gần 1,9 triệu đơn vị.

Ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB mới đây chia sẻ, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận trong 5 năm tiếp theo ở mức tối thiểu 30% mỗi năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỷ USD. Từ đó, đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng 5 lần với nền tảng khách hàng được mở rộng gần gấp 3 lần so với hiện tại.

Nguồn lực của ngân hàng sẽ tập trung cho bán lẻ và ngân hàng số.

Mặt khác, khối ngoại cũng tích cực gom cổ phiếu VIB trong nửa đầu tháng 2 với mức mua ròng hơn 324.000 đơn vị.

Được biết, VIB đã chốt 'room ngoại' ở mức 20,5% trước khi lên thị trường UPCoM vào năm 2017 và liên tục duy trì giới hạn này suốt từ đó đến nay.

Việc khóa 'room' ngoại thấp hơn nhiều so với mức tối đa theo quy định (30%) khiến cổ phần của VIB là "hàng hiếm" đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đứng sau VIB về mức tăng giá phiên 17/2 lần lượt là TPB ( 1,9%), BID ( 1,9%), VPB ( 1,8%), HDB ( 1,7%), MBB ( 1,7%).

Các cổ phiếu lớn như TCB, CTG, VCB cũng diễn biến tích cực trong phiên với mức tăng 0,6-1,2%.

Cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt mức kỳ vọng 14%.

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã có sự bứt phá mạnh mẽ ngay trong tháng 1/2022, khi đạt mức 2,74% tính tới ngày 28/1/2022, mức tăng trong tháng 1 cao nhất kể từ năm 2012 tới nay.

Giới phân tích dự báo sự bứt tốc của tín dụng sẽ giúp các ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022; đặc biệt là tại các ngân hàng có thể mạnh về bán lẻ như VIB, VPBank, Techcombank,…

"Ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng, tỷ trọng cho vay cá nhân cao và thu nhập ngoài lãi sẽ có lợi thế trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. Ngoài ra, nào có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.

Và tất nhiên, giá cổ phiếu được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và câu chuyện riêng của từng ngân hàng', Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giasm đốc Khối Phân tích VNDirect nhận định.

Thực tế, kế hoạch kinh doanh được nhiều ngân hàng công bố cho thấy sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng trong năm 2022.

Các ngân hàng như OCB, ACB, VPBank... đều đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng, với mức tăng trưởng từ 20 - 30%. Tại các ngân hàng quốc doanh, mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay là tăng trưởng trên 15%.

Với triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng được nhận định là nhóm có mức định giá hấp dẫn trên thị trường.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam, năm 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực cho ngành ngân hàng.

Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 15%, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận tăng 30% cho năm 2022. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có nhiều thông tin hỗ trợ lạc quan như: nhiều ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược; lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền; dòng tiền được chấp thuận tăng room cho nước ngoài.

"Mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại vô cùng hấp dẫn, rẻ hơn 25% so với mức bình quân 3 năm với tỷ lệ P/B 1,6 lần và tỷ lệ P/E 8,7 lần.

Dựa vào những yếu tố trên, tôi cho rằng ngành ngân hàng là ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022", ông Tuấn nhận định

Về mức định giá hiện tại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, Chứng khoán BIDV nhận định tuy COVID-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, nhưng ảnh hưởng này không làm điều chỉnh giảm quá nhiều lợi nhuận trong điều kiện các ngân hàng đã hoàn thành 80% kế hoạch của cả năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021.

"Chúng tôi cho rằng sức khỏe tài chính của các Ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại", nhóm phân tích cho biết.

Bên cạnh các yếu tố mang tính trung và dài hạn như triển vọng kinh doanh và định giá, sự hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng có thể là chất là xúc tác khiến nhà đầu tư tự tin mạnh dạn rót tay vào dòng 'cổ phiếu vua' trong phiên 17/2.