Nhìn lại biến động giá cổ phiếu ngân hàng năm 2021

04/01/2022 11:24 toquoc.vn

Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy mối tương quan thấp giữa tăng trưởng lợi nhuận và mức tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021. Thay vào đó, những cổ phiếu tăng giá hàng đầu đều có chất xúc tác mạnh từ cổ tức và phát hành cổ phiếu. Nếu tính theo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE), kết quả vẫn tương tự.

Theo VDSC, điều này có thể được giải thích bởi sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân. So với tình hình 6 tháng đầu năm, đã có sự thay đổi về thứ hạng tăng giá khi nhóm quốc doanh và nhóm các hàng tư nhân hàng đầu (Techcombank, VPBank, SHB, ACB,…) bắt đầu thụt lùi trong nửa cuối năm 2021 do dòng tiền ưa chuộng câu chuyện.

Ngoài nhóm quốc doanh có chất lượng tài sản bị ảnh hưởng đều, cũng có sự phân hóa giữa đà tăng giá cổ phiếu giữa các ngân hàng trong cùng nhóm.

 

Trước đó, Theo thống kê của Tri thức trẻ cho thấy, NVB của NCB là cổ phiếu tăng mạnh nhất năm 2021. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm, NVB đứng ở mức 32.000 đồng/cp, tăng gấp hơn 3 lần so với cuối năm 2020. Thậm chí chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9), cổ phiếu này đã tăng gấp đôi thị giá từ hơn 17.000 đồng/cp lên gần 35.000 đồng/cp

Về hoạt động kinh, NCB không có gì nổi trội so với các nhà băng khác khi tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào việc cắt giảm các khoản trích lập theo đề án tái cấu trúc. Thậm chí, nếu loại trừ ảnh hưởng của yếu tố này, lợi nhuận thuần quý III của NCB còn giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong năm qua, "thượng tầng" của NCB đã có biến động lớn khi cả Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đều được thay mới. Trước đó, cổ phiếu này cũng ghi nhận các giao dịch thoả thuận khủng trong năm 2021, khiến giới quan sát tin rằng cơ cấu cổ đông của nhà băng này đã được thay máu với sự tham gia của một tập đoàn bất động sản có tiếng ở trong nước.

Diễn biến cổ phiếu NCB trong năm 2021. (Nguồn: Tradingview)

Một cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá trên 3 lần là SSB của SeABank (tăng 211%). Cổ phiếu này chào sàn HoSE ngày 24/3 với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp và liên tục tăng trần trong những phiên sau đó. SSB tiếp tục duy trì được nhịp tăng giá trong nửa cuối năm 2021 ngay cả khi hầu hết cổ phiếu ngân hàng khác đều giảm mạnh.

Đặc biệt, SSB còn bứt tốc mạnh trong tháng 12, khi SeABank thông báo phát hành thêm 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, chưa bằng một nửa thị giá trên sàn.

Nhiều cổ phiếu khác cũng tăng gấp trên 2 lần như TPB (110%), LPB (105%), VIB (104%), MSB (99%), VPB (99%),...

Trong đó, riêng quý IV, cổ phiếu TPBank tăng gần 63% sau khi phát hành riêng lẻ thành công 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước với giá 33.000 đồng/cp.

Do không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia, nên sau đợt phát hành này, TPBank hở room ngoại 30 triệu cổ phiếu, tạo điều kiện tham gia cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Một ví dụ khác là trường hợp cổ phiếu LPB của LienVietPost Bank. Cũng trong thời điểm tháng 4, khi công bố kết quả kinh doanh vượt trội tăng gấp đôi so với cùng kỳ thì thị giá của LPB cũng chỉ tăng khoảng 17% theo xu hướng chung toàn ngành.

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 4, cơ cấu cổ đông chính thức thay đổi với sự tham gia của ông Nguyễn Đức Thụy trong Hội đồng Quản trị LienvietPost Bank, giá cổ phiếu cũng bật tăng mạnh gần 60% trong vòng một tháng và đạt đỉnh hơn 30.000 đồng vào đầu tháng 6.

Những tháng tiếp theo, LPB liên tục đổ đèo và giảm về vùng giá 22.000 đồng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên với nhịp tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm, cổ phiếu này vẫn có được mức tăng chung hơn 100%.

Đi cùng diễn biến điều chỉnh của cổ phiếu LPB, người nhà và đơn vị liên quan đến ông Thụy cũng đồng loạt thoái vốn khỏi LienvietPost Bank.

VPBank cũng là cái tên được nhắc đến như một cổ phiếu điển hình được hỗ trợ bởi 'game' thoái vốn trong năm 2021.

Giữa tháng 4, VPBank thông tin về kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2021 và công bố lợi nhuận trước thuế quý I tăng 38% so với cùng kỳ, tuy nhiên, giá cổ phiếu VPB chỉ nhích nhẹ vài %. Thanh khoản trung bình mỗi phiên không có nhiều đột biến với khoảng 7 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh.

Tuy nhiên, cuối tháng 4 - tháng 5, từ lúc thị trường xuất hiện thông tin đến khi VPBank hoàn tất bán 49% vốn tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC – công ty con thuộc SMFG (Nhật Bản), thì giá cổ phiếu VPBank lúc này mới thật sự bùng nổ. Tính từ ngày 28/4 (thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng) đến đầu tháng 6, thị giá VPBank tăng 35%.

Diễn biến cổ phiếu VPB trong năm 2021. (Nguồn: Tradingview)

Ở phía ngược lại, với những mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng gốc quốc doanh như VCB và BID suốt cả năm qua gần như dậm chân tại chỗ. Theo đó, khi "anh em" lớn nhỏ ngân hàng niêm yết đồng loạt phi mã thì mức tăng chung của VCB chỉ đạt 4%, trong khi BID là cổ phiếu bank duy nhất giảm giá so với cuối năm 2020.

Nếu không có nhịp hồi phục vào cuối năm (trước và sau khi chốt quyền trả cổ tức), thì cả BID và VCB đều giảm giá khá mạnh so với mức chốt năm 2020.

Đáng chú ý, BID và VCB có tỷ suất sinh lời kém nhất ngành trong năm qua dù hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng so với năm trước. Riêng Vietcombank vẫn dẫn đầu hệ thống về quy mô lợi nhuận và các hệ số toàn hoạt động. 

Diễn biến cổ phiếu BID trong năm 2021. (Nguồn: Tradingview)