Nhiều ngân hàng bị rút ròng tiền gửi trong năm 2021

07/02/2022 06:05 toquoc.vn

Báo cáo tài chính quý 4/2021 cho thấy tiền gửi khách hàng tại Sacombank đã giảm lần đầu tiên sau 10 năm.

Cụ thể, tiền gửi khách hàng của Sacombank đã bị rút ròng 585 tỷ đồng trong năm qua, xuống còn gần 427.387 tỷ đồng.

Trước đó, Sacombank cũng chứng kiến khoản mục này sụt giảm vào năm 2011 với mức rút ròng 3.243 tỷ đồng.

Trong năm 2021, tiền gửi không kỳ hạn tại Sacombank tăng thêm 15.943 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 20%.

Trong khi tiền gửi có kỳ hạn giảm 16.608 tỷ đồng, tương đương giảm 4,8%.

Tình trạng rút ròng tiền gửi cũng diễn ra tại SeABank. Cụ thể, số dư tiền gửi khách hàng vào cuối tháng 12 ở mức 109.785 tỷ đồng, giảm gần 3.492 tỷ so với hồi đầu năm, tương đương giảm 3,1%.

Xét về kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn của SeABank giảm gần 2.595 tỷ và tiền gửi có kỳ hạn giảm 1.485 tỷ đồng.

ABBank cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm gần 4.670 tỷ đồng so với với cuối năm 2020, tương đương giảm 6,4%.

Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm hơn 1.423 tỷ và tiền gửi có kỳ hạn giảm 2.886 tỷ.

Trong năm 2021, tiền gửi khách hàng của Ngân hàng Quốc Dân giảm 7.565 tỷ đồng, tương đương 10,5% xuống còn hơn 64.520 tỷ.

Riêng tiền gửi có kỳ hạn giảm 7.286 tỷ, còn tiền gửi không kỳ hạn giảm gần 300 tỷ so với cuối năm trước.

Tương tự, tiền gửi của khách hàng tại PGBank và Saigonbank cũng giảm lần lượt 663 tỷ và 118 tỷ trong năm 2021.

Bên cạnh những cái tên kể trên, một loạt ngân hàng khác cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng tiền gửi năm 2021 ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong đó có không ít nhà băng tên tuổi trong nhóm tư nhân như LienVietPostBank ( 3,3%), Eximbank ( 2,2%), HDBank ( 5%), ACB ( 7,6%),…

 

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế vào cuối tháng 11/2021 đạt hơn 10,68 triệu tỷ, tăng 6,6% so với cuối năm 2020 - mức tăng trưởng 11 tháng thấp nhất kể từ khi số liệu này được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Trong đó, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,63% và tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 10,78%.

Theo giới chuyên môn, việc tăng trưởng tiền gửi chậm lại là do làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.

Đồng thời, nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên người dân không thể đến ngân hàng để gửi tiết kiệm.

Ngoài ra, sức hấp dẫn của các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và thậm chí là tiền điện tử (dù chưa được phép) cũng góp phần khiến người dân không còn mặn mà gửi tiền khi lãi suất tiết kiệm vào cuối năm 2021 đã xuống thấp kỷ lục.

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng nhận định mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp, không thể gắn việc giảm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất đầu ra trong thời gian tới.

Chia sẻ tại họp báo vào cuối năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp.

Nếu tiếp tục giảm, tiền gửi vào ngân hàng sẽ giảm mạnh. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không đặt ra vấn đề giảm thêm lãi suất huy động nữa. 

Theo Phó Thống đốc, khi lãi suất huy động thấp, không ít người gửi tiền sẽ lựa chọn rút tiền khỏi ngân hàng, đầu tư vào vàng, chứng khoán, bất động sản…

Trong khi đó, ngân hàng muốn có tiền cho vay phải duy trì được tiền gửi đầu vào ổn định. Cho nên, mặt bằng lãi suất huy động phải duy trì ở mức hợp lý để đảm bảo nguồn tiền gửi.

"Chúng tôi không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào thời điểm hiện nay. Vì phải đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như quyền lợi người gửi tiền", ông Tú nói khi đó.

Ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất để hút tiền gửi

Trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân do áp lực thanh khoản cao điểm cuối năm.

Theo số liệu SSI Research, trong vòng 2 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tăng 0,1 – 0,5 điểm % đối với biểu lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm.

Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mại cũng được sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân, trong đó mặt bằng lãi suất thông qua kênh gửi tiền online cao hơn khoảng 0,2 – 0,3 điểm % so với kênh gửi tiền truyền thống.

SSI Research đánh giá đây chỉ là xu hướng mang tính mùa vụ và mặt bằng lãi suất huy động kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau đó.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 và nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022 và triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Theo kịch bản cơ sở của SSI Research, lãi suất huy động sẽ tăng 0,2- 0,25 điểm % trong nửa cuối năm 2022.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ tăng nhẹ quanh ngưỡng 0,25-0,5 điểm %/năm, đặc biệt là vào nửa cuối năm.

Còn Chứng khoán VNDirect nhận định lãi suất tiền gửi sẽ tăng 0,3 – 0,5 điểm phần trăm trong năm 2022.

Theo công ty này, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại do 3 yếu tố.

Thứ nhất là nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng.

Thứ hai là áp lực lạm phát trong năm 2022. Và cuối cùng là sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022.

Theo KBSV, lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của Ngân hàng Nhà nước cũng khiến lãi suất tăng trở lại.