Nhận cuộc gọi lạ, người phụ nữ mất hơn 850 triệu tiền tiết kiệm trong ngân hàng

25/08/2022 06:00 toquoc.vn

Người phụ nữ mất hơn 850 triệu tiền tiết kiệm trong 4 tài khoản ngân hàng

Mới đây, một phụ nữ tới từ Malaysia, có nickname trên Facebook là Azura Photobook đã chia sẻ chính câu chuyện buồn của cô, sau khi mất gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm mà cô đã phải vất vả mới có được. 

Trong bài đăng trên nhóm Facebook có tên là VOICE, Azura cho biết vì có tính cẩn thận, cô đã gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm của 4 ngân hàng khác nhau. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, vào đúng thời điểm quan trọng thì cô lại lơ là cảnh giác.    

Chỉ trong 2 ngày, Azura đã bị lừa mất số tiền tương đương hơn 850 triệu VNĐ.

"Tôi đã bị lừa lấy hết cả tiền rồi. Tôi đang vô cùng thất vọng. Số tiền 163.000 Ringgit (tương đương hơn 850 triệu VNĐ) mà tôi sẽ không bao giờ quên, 4 ngân hàng là Public, CIMB, Maybank và Bank Rakyat", Azura viết.

Người phụ nữ cũng cung cấp ảnh chụp màn hình lịch sử giao dịch trên ngân hàng di động, trong đó cho thấy số tiền bị lừa nhỏ nhất trong 1 giao dịch của cô là 6050 Ringgit (khoảng 30 triệu VNĐ) còn số tiền lớn nhất lên tới 50.002 Ringgit (khoảng 260 triệu VNĐ). 

Được biết, vụ việc xảy ra vào 2 ngày là mồng 4 và mồng 5 tháng 7 năm 2022 và nạn nhân Azura đã buồn bã trong suốt 3 tuần sau đó.

"Chúng ta thường nghe nói tới nhiều người là nạn nhân của các trò lừa đảo. Dù các phương tiện truyền thông đã nâng cao nhận thức cho người dân nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy. Đây là lần duy nhất tôi cảm thấy cần phải kể câu chuyện bản thân bị lừa một cách tàn nhẫn như thế này", người phụ nữ viết trong bài đăng.

"Tôi đã mất hết hy vọng sống và cảm thấy thế giới sụp đổ. Nhưng bây giờ tôi đã chấp nhận hiện thực. Hãy cảnh giác nhé. Chuyện này cũng có thể xảy ra cho các bạn", Azura buồn bã chia sẻ.

Người phụ nữ chia sẻ câu chuyện để cảnh báo mọi người.

Sau đó, người phụ nữ cũng chia sẻ cách thức lừa đảo mà bọn tội phạm đã áp dụng với cô và nhiều nạn nhân khác.

1. Đầu tiên, nạn nhân sẽ nhận được 1 cuộc gọi lạ từ những người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bọn chúng sẽ thông báo cho nạn nhân rằng 1 giao dịch chuyển khoản vừa mới được thực hiện dù nạn nhân không hề có tài khoản ở ngân hàng đó. 

2. Sau đó cuộc gọi sẽ được chuyển tới "Ngân hàng Negara Malaysia" để hỗ trợ nạn nhân trong việc trình báo với cảnh sát.

3. Sau đó cuộc gọi sẽ được chuyển tới "đồn cảnh sát", nơi nạn nhân sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng của họ, và tất nhiên là cả mã OTP. Cuối cùng, nạn nhân sẽ bị rút hết tiền khỏi tài khoản và chỉ nhận ra mình bị lừa khi mọi chuyện đã xong xuôi. 

6 lưu ý để không bị "mất tiền oan"

Theo các chuyên gia an ninh mạng, để không rơi vào trường hợp như của chị Azura, chúng ta cần lưu ý: 

- Trước khi tải xuống bất kỳ ứng dụng di động nào từ Google Play, người dùng phải kiểm tra xem ai, tổ chức nào là người tạo ứng dụng. Một cách an toàn và dễ dàng khác để tải xuống ứng dụng ngân hàng gốc là truy cập trang web chính thức của ngân hàng và nhận liên kết tải xuống từ đó.

- Tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn/email/kênh mạng xã hội mạo danh ngân hàng; không thực hiện các thao tác làm theo hướng dẫn do các số điện thoại lạ gọi đến, kể cả là cán bộ ngân hàng và các cơ quan khác khi chưa xác minh được thông tin chính xác. Ngoài ra, khi nhận được bất kỳ email của ngân hàng nào, người dùng cũng luôn nhớ gọi cho ngân hàng để xác nhận xem đây có phải là thông tin liên lạc chính xác hay không.

- Để bảo vệ máy tính không bị tấn công bởi virus và các phần mềm độc hại hiện đang quá phổ biến, người dùng nên mua phần mềm chống virus cập nhật và hiệu quả.

- Luôn xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền (qua điện thoại hoặc trực tiếp); cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là người thân, bạn bè.

- Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking… và nên đặt mật khẩu các dịch vụ ngân hàng điện tử khó đoán, tính bảo mật cao (tránh đặt ngày sinh, tên người thân, số điện thoại…); không lưu tự động thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên bất cứ máy tính và trình duyệt web nào; không đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch mua bán hàng trực tuyến.

- Tuyệt đối không cung cấp Tên đăng nhập/ Mật khẩu đăng nhập/ Mã xác thực OTP của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, công an, cơ quan điều tra…

Theo World Of Buzz