Nhà ở xã hội nếu còn băn khoăn, sẽ rất khó

12/09/2022 13:06 daidoanket.vn

Nhà ở xã hội vẫn là mơ ước của nhiều người.

Nhà ở xã hội vẫn là mơ ước của nhiều người.

Theo đó, có nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359,07ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu cần có.

Nhiều địa phương chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.

“Đặc biệt, nhiều địa phương đã gửi kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép không bố trí quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị với lý do không phù hợp quy hoạch của địa phương. Việc chính quyền địa phương nơi có dự án không có cơ sở pháp lý để xử lý bất cập nêu trên và đùn đẩy trách nhiệm lên cấp cao hơn để xin chủ trương về việc bố trí quỹ đất 20%. Đây là một vướng mắc lớn trong thời gian qua, làm ách tắc khâu thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án, gia tăng chi phí thủ tục hành chính, gây bức xúc xã hội đối với cả doanh nghiệp và người dân” - dự thảo Tờ trình cho biết.

Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.

Trong khi các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn.

Ví như, quy định lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư…

Hay quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.

Nhưng trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê...

Trong khi đó, dự thảo Tờ trình của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước cần khoảng 2,6 triệu căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, tại dự thảo Tờ trình, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu “khiêm tốn” hơn: đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn kể trên.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, về phía các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn, ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương.

Trước đó, ngày 1/8, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố quan tâm, quyết liệt, vô tư, trong sáng thì việc triển khai thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội mới tốt được.

“Người đứng đầu còn vấn vương, băn khoăn, thì sẽ rất khó” - Thủ tướng nêu rõ và khẳng định quan điểm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng, cần “nói đi đôi với làm”, không để người dân mất niềm tin.

Trong bối cảnh giá đất, giá vật liệu xây dựng, giá nhân công tăng cao, việc phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến đã được đưa ra để gỡ nút thắt này, trong đó có việc nên cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc tỉnh/thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội; phân cấp cho Ủy ban nhân dân quận/huyện tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng nhà ở, đất ở trong dự án hoặc khu dân cư hiện hữu đã có hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái định cư.

Bên cạnh đó, nghiên cứu quy trình theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan về trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đáng chú ý về trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội: Với doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình tự thủ tục gồm 5 bước, tổng thời gian thực hiện tối đa 153 ngày làm việc.

Trường hợp dự án nhà ở xã hội xây dựng trên đất do nhà nước trực tiếp quản lý (đất công), được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì quy trình thực hiện gồm 7 bước.

Với những dự án này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thêm bước đánh giá năng lực của chủ đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.

Thời gian thực hiện tối đa 318 ngày. Đây là nỗ lực lớn của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội của thành phố.