Nhà đầu tư ngoại dè chừng khi mua cổ phần tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, vì sao?

17/12/2021 14:55 congluan.vn

Có nên tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài?

Theo báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, tính đến tháng 4/2021, một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm trần 30% hoặc gần chạm trần 30%.

Trước hiện tượng này, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên 35%, thậm chí là 49%, nhằm tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc giữ nguyên 30% hay tăng lên 35%, thậm chí tăng 49% cũng cần cân nhắc hài hòa các yếu tố khi đề xuất xem xét điều chỉnh giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng tới đây.  Ông Lực đưa ra 3 lý do.

Thứ nhất, Việt Nam đang có kế hoạch cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong 5-10 năm tới, tuy nhiên đến nay hầu như vẫn có rất ít nghiên cứu đánh giá về thực trạng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng một cách đầy đủ khách quan. 

Thứ hai, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa tăng tương ứng tốc độ tăng tài sản và tín dụng là thực tế rất cần lưu ý. 

Thứ ba, Chính phủ đang có chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, theo đó đặt ra vấn đề cần tăng nguồn vốn và các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp. “Để thực hiện mục tiêu chương trình này, dự kiến tăng trưởng tín dụng phải cao hơn 12% năm nay, từ 13-14%. 

Trong bối cảnh này, việc các ngân hàng thương mại phải tiếp tục nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng  tiêu chuẩn Basel 2 và tới đây là Basel 3, đặc biệt là trong bối cảnh Hệ số an toàn vốn CAR của Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực, chỉ đạt 0,14%, thì yêu cầu cần nâng tỷ lệ giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Điều này càng đặt ra cấp thiết để tạo thêm nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại có thể tìm kiếm các đối tác chiến lược nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng vốn trong thời gian tới”, ông Lực phân tích. 

Nhà đầu tư ngoại vẫn dè chừng

Thực tế thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài và định thế tài chính quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam khá sớm. Số liệu thống kê được ông Lực đưa ra tại Hội thảo cho thấy, hiện Việt Nam có 9 ngân hàng con sở hữu vốn nước ngoài, 2 Ngân hàng liên doanh và 1 số tổ chức Ngân hàng góp vốn vào các ngân hàng thương mại Việt Nam.

 Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm là trong vòng 10 năm qua, thị phần tổng tài sản của Ngân hàng nước ngoài và liên doanh tại Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh ở mức 10%, theo  ông Lực điều này rất cần làm rõ nguyên nhân.

nha dau tu ngoai de chung khi mua co phan tai cac ngan hang thuong mai viet nam vi sao hinh 2

Ông Lực giải thích: Các định chế tài tài nước ngoài rất thận trọng khi hoạt động tại Việt Nam có quy trình rất bài bản. Nhờ đó tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam rất thấp, ROE khoảng 10%/năm. 

Bên cạnh đó, còn là do thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam còn thiếu tính minh bạch, chuẩn mực và bài bản. Điều này dẫn đến tình trạng một số ngân hàng nước ngoài thoái vốn, bán mảng bán lẻ cho một số tổ chức khác, điển hình như trường hợp Ngân hàng ANZ bán bớt mảng này gần đây và chuyển sang dạng thức kinh doanh khác với chiến lược thay đổi.

Cũng tương tự, nhiều ngân hàng liên doanh chuyển hiện diện tại Việt Nam thành ngân hàng con, hiện có 9 ngân hàng con tại Việt Nam hoạt động như 1 ngân hàng bản địa dù vẫn còn một số hạn chế nhất định. Song rất đáng chú ý, họ lại tham gia kênh khác như trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông tài chính trong các ngân hàng Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Tình trạng chưa sử dụng hết tỷ lệ trần room 30% tại các ngân hàng. Hiện nay trong 4 ngân hàng nhà nước lớn, mới có 3 ngân hàng lớn là Vietcombank, Vietinbank và BIDV có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 16,7-25,5%, còn Ngân hàng nông nghiệp mới đang chuẩn bị cổ phần hóa, như vậy tính bình quân tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 ngân hàng nhà nước lớn mới chỉ loanh quanh ở mức 16-17%, vẫn còn dư địa tới 13% trong khu vực này. 

Còn đối với khối ngân hàng thương mại, theo ông Lực, tuy một số ngân hàng đã sử dụng gần hết room cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ khoảng 27- 28%, song nếu mời chào thì cũng chưa chắc nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia thêm do họ có chiến lược khá thận trọng, không muốn bỏ trứng vào 1 giỏ. 

Ngoài ra, quá trình thẩm định đánh giá phê duyệt của Việt Nam quá lâu khiến nhà đầu tư bị lỡ cơ hội. Chưa kể chính sách, chủ trương định hướng của Việt Nam thiếu nhất quán khiến nhà đầu tư nước ngoài rất khó định hướng cũng là lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài không muốn tham gia hết room. 

Trên cơ sở các phân tích này, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng để có thể đưa ra cơ sở chuẩn xác cho việc đề xuất xem xét nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng, trước hết Chính phủ cần sớm thông qua Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đề án này cần định hướng rõ ràng định hướng quan trọng về sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng nhà nước lớn hiện nay. 

Đồng thời, cần đẩy nhanh việc sửa Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật các tổ chức tín dụng nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc về tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng nhà nước. Đặc biệt cần nhất quán tỷ lệ sở hữu của nhà nước và nước ngoài tại 4 ngân hàng nhà nước lớn để nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở định hướng chiến lược đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng cần cân nhắc có nhất thiết đề xuất nâng tỷ lệ room cứng từ 30 lên 35% hay không. 

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý nhà nước cần xác định rõ quan điểm và định hướng đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức fintech, công ty chứng khoán, các tổ chức trung gian thanh toán khi cân nhắc việc nới room tại các ngân hàng để đảm bảo tính toán tỷ lệ nâng một cách phù hợp mang lại hiệu quả cao nhất.