Người nghèo Thái Lan và nỗi lo đón Tết vì lạm phát

01/02/2022 07:16 congluan.vn

Mặt hàng gì cũng tăng

Thay vì tăng giá món ăn, người bán mì tên Yajai lại bớt đi ít thịt lợn trong bát của khách - một khoản cắt giảm do giá lợn Thái Lan tăng cao sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Trong một con hẻm gần đó, một người bán hoa quả cũng phải cắt những miếng đu đủ, ổi và dứa nhỏ hơn để tránh phải tăng giá đối với những khách hàng thường xuyên của mình.

Giá trứng, dầu ăn, gas và thịt gà cũng tăng vọt, gây khó khăn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ trên khắp Pratunam, một khu phố người Thái gốc Hoa ở trung tâm thành phố Bangkok.

“Chi phí của tôi đã tăng 20% ​​kể từ đầu năm”, Yajai nói với hãng thông ấn Al Jazeera. “Nước cốt dừa, dầu ăn, thậm chí cả giấy gói hoành thánh… Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như thế này khi mọi thứ đều tăng lên cùng lúc”, cô nói.

Khi Tết Nguyên đán cận kề - thời điểm mà các gia đình thường chi tiêu phóng khoáng và các doanh nghiệp nhỏ có mức tăng đầu tiên trong năm - người Thái đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

Thu nhập của các hộ gia đình nghèo bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, các doanh nghiệp nhỏ bị rò rỉ lợi nhuận - và một chính phủ đang loay hoay tìm cách khắc phục.

Các nhà kinh tế cho biết giá dầu toàn cầu tăng cao đã làm tăng chi phí trên các chuỗi cung ứng, bao gồm dây chuyền sản xuất và mạng lưới vận tải của Thái Lan đối với các mặt hàng chủ chốt như thức ăn gia súc.

Khó khăn chồng chất hơn khi các nhà chức trách Thái Lan hồi đầu tháng thông báo dịch tả lợn đã tấn công gần 20 triệu con lợn, đe dọa tiêu hủy hàng loạt và khiến Đài Loan và Campuchia cấm nhập khẩu thịt lợn từ nước này.

Kể từ đầu năm, giá thịt lợn đã tăng khoảng 40% lên 200-230 baht (135.000 đến 155.000 VNĐ) một kg. Với việc thịt lợn đột ngột tăng giá, các gia đình nghèo chuyển sang mua nhiều gà hơn, từ đó đẩy giá thịt gia cầm và trứng lên cao.

Thay vì sôi động như thường lệ trước Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 1/2, thị trường ở các khu vực dành cho tầng lớp lao động ở Bangkok giảm rõ rệt.

Poonya Sugurd, 49 tuổi, một người bán hàng tạp hóa tại một chợ đồ tươi sống lớn ở ngoại ô Bangkok, nói rằng bà đã cắt bớt đơn đặt hàng để tránh tồn hàng.

Bà cho biết: “Thậm chí giá giấy vàng mã còn tăng lên. Tôi đang cố gắng chịu thêm chi phí vì tôi nhận ra rằng đại dịch đã gây khó khăn cho khách hàng của tôi”.

Ở một trong những xã hội chênh lệch giàu nghèo nhất ở châu Á, lạm phát không được cảm nhận một cách đồng đều. Trong khi người nghèo cảm thấy khó khăn, những người giàu có ở Bangkok có thể không gặp khó khăn bởi chi phí tăng cao.

Viroj NaRanong, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, nói: “Chúng ta có một khoảng cách giàu nghèo thực sự ở đây. Giá thực phẩm tăng cao sẽ không ảnh hưởng đến những người giàu có hơn, những người coi trọng truyền thống Tết Nguyên đán của họ hơn giá hàng hóa”.

Nỗi lo không chỉ trong dịp Tết

Các nhà kinh tế Thái Lan đã tìm ra mối liên hệ với lạm phát gia tăng của Mỹ - ở mức cao nhất trong gần 40 năm - khi xăng dầu và tình trạng thiếu container vận chuyển trong năm ngoái đã làm tăng chi phí.

Ngoài giá dầu tăng trên toàn cầu, “giá thực phẩm tăng hiện nay còn xuất phát từ cú sốc nguồn cung thịt lợn - thứ đang đẩy giá các loại thịt khác lên cao”, Anusorn Tamajai, cựu thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Thái Lan, cho biết.

Tuy nhiên, những tác động chính trị của chi phí gia tăng đã khiến chính phủ Thái Lan phải loay hoay tìm các giải pháp. Tuần trước, chính phủ đã cam kết trợ giá thịt gà, trứng và thịt lợn 42 triệu USD trong ba tháng tại 3.000 điểm phân phối trên khắp cả nước.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Thái Lan đã kêu gọi người tiêu dùng gọi đến một đường dây nóng đặc biệt để báo cáo về tình trạng thổi giá, đe dọa truy tố những người sai phạm kèm theo tiền phạt và án tù.

Tasanee Buranupakorn, một nghị sĩ của Đảng Pheu Thai, cho biết tại Quốc hội hôm thứ Tư tuần trước: “Tôi mời Thủ tướng và Bộ trưởng Thương mại rời khỏi phòng máy lạnh của họ và thực hiện một chuyến đi thực tế và xem mọi người đang gặp khó khăn như thế nào”.

Anusorn, cựu giám đốc ngân hàng trung ương cảnh báo sự kết hợp giữa chi phí sinh hoạt tăng, lương thấp và nợ hộ gia đình cao có khả năng gây ra “bất ổn xã hội” nếu không được giải quyết.

Tại cửa hàng mì của Yajai, bà nói: “Chính phủ đã rất chậm chạp trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này. Lợi nhuận của tôi giảm, nhưng nhà nước vẫn thu thuế của tôi như cũ".