Ngành dệt may lập đỉnh mới: Xuất khẩu 3,68 tỷ USD trong tháng 7

21/08/2022 06:00 toquoc.vn

Theo thông tin từ Tổng cục Hải Quan, trong tháng 7/2022 vừa qua, xuất khẩu ngành hàng dệt may đã lập đỉnh, và là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD.

Cụ thể trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 7/2022 đạt 3,68 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng 6/2022 và tăng 1,9% so với tháng 12/2021.

Tính đến hết tháng 7/2022, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt 22,24 tỷ USD, tăng 20,4%, tương ứng tăng 3,76 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 21,3%; sang EU đạt 2,58 tỷ USD, tăng 36,2%; Nhật Bản đạt 2,06 tỷ USD, tăng 11,9%; Hàn Quốc đạt 1,68 tỷ USD, tăng 12,9%... so với cùng kỳ năm 2021.

Trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong giai đoạn từ tháng 01/2019-tháng 7/2022

Những số liệu khả quan trong tháng 7 đã tiếp tục kéo dài sự hồi phục của ngành dệt may năm nay.

Kết quả này có được là do doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, điều chỉnh phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.

Cùng với đó, ngày càng tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, những tháng cuối năm ngành dệt may cũng sẽ đối mặt với những khó khăn.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn.

Thứ nhất, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, châu Âu… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may, giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các doanh nghiệp dệt may từ nay đến cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Căng thẳng Nga-Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết ảnh hưởng đến một số thị trường của dệt may Việt Nam như tại Nga, Ukraine và các nước khác trong khu vực.

Thứ ba, doanh nghiệp dệt may phải chịu chi phí tăng tới 20-25% do giá nguyên, nhiên, phụ liệu từ đầu năm đến nay đã tăng rất nhanh.

Theo VOV, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tương đối khả quan.

Khách hàng ở thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhờ đó, số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nửa cuối năm, lạm phát tăng một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng sẽ giảm.

Theo ông Việt, mặc dù Tổng công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý 3, một số mặt hàng thế mạnh đã có đơn hàng đến hết năm nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng thì khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên cho rằng, 6 tháng cuối năm có tình trạng là rất nhiều các đơn hàng không xác nhận ngay và có xác nhận thì yêu cầu giá xuống rất thấp, ngành dệt may mà không có đơn hàng thì cũng sẽ đối mặt với vấn đề công nhân phải dừng việc.

Điều này tạo cho ngành dệt may những khó khăn, nhất là ngành dệt may có lao động rất đông.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm nay thị trường thế giới sẽ có biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp toàn ngành dệt may.

Trong bối cảnh khó dự báo về tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp để chủ động nguyên liệu sản xuất, vừa đảm bảo đáp ứng đủ về đơn hàng.

Đồng thời, phải bám sát về thông tin và diễn biến thị trường, nắm vững yêu cầu về thị trường nước nhập khẩu hàng hóa để có những điều chỉnh phù hợp.