Ngành công nghiệp Việt Nam: Doanh nghiệp phải tự thay đổi để tồn tại

16/12/2021 14:55 congluan.vn

Một năm sóng gió

Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, có thể nói, đợt bùng phát lần thứ 4 diễn ra vào đầu tháng 5/2021 đã tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam nói chung, và ngành công nghiệp nói riêng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, GDP trong quý III/2021 ghi nhận mức tăng trưởng âm, với mức giảm 6,17%. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có 3 tháng suy giảm liên tiếp.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương, trong tháng 8/2021, thời điểm các địa phương trọng điểm sản xuất công nghiệp phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, IIP đã giảm 4,2% so với tháng 7/2021 và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các ngành công nghiệp khai khoáng và ngành chế biến, chế tạo suy giảm mạnh nhất, lần lượt là 2,4% và 9,2%.

nganh cong nghiep viet nam doanh nghiep phai tu thay doi de ton tai hinh 1

Trong 2 tháng tiếp theo, chỉ số IIP vẫn duy trì ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tính đến cuối quý III/2021, các địa phương như Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng tàu là các địa phương có IIP giảm rất sâu. Riêng TP.HCM, “đầu tàu” kinh tế cả nước, IIP giảm 12,9%, do sản xuất trang phục giảm 25,8%.

Có thể thấy rằng, những địa phương có chỉ số IIP giảm tập trung hầu hết ở khu vực phía Nam. Trong khi đó, các địa phương phía Bắc và miền Trung lại có tốc độ tăng trưởng rất mạnh.

Kể từ tháng 10/2021, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nhờ đó, IIP trong tháng 11 đã tăng 5,5% so với tháng 10 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành trước đây suy giảm năng suất, thì tới tháng 11 đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại, như ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% và ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%,...

Chủ động các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh để thích ứng và thành công

Tại giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, một số doanh nghiệp thuộc nhiều ngành công nghiệp, không thuộc nhóm ngành hàng hóa thiết yếu đã phải tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn chống dịch.

Một số đơn vị khác phải hoạt động cầm chừng, hoặc cắt giảm công suất, vì chưa đáp ứng được điều kiện, người lao động phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp được phép hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “2 cung đường 1 điểm đến”. Tuy nhiên, dù ở trong trạng thái nào, các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành công nghiệp đều phải gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đó, khó khăn lớn nhất, chính là công tác phòng chống dịch thiếu sự thống nhất giữa các địa phương. Ngay cả trong một tỉnh, các huyện, các xã cũng có những chính sách chống dịch khác nhau, “đẻ” ra nhiều quy định kỳ lạ, giấy phép con, điều này khiến cho công tác vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, dẫn đến quá trình đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có thể thấy, ngay từ đầu tháng 10, kể từ thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các Bộ, ngành, địa phương đã tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan tới vận chuyển luồng xanh, thống nhất mã các ứng dụng phòng chống dịch, hay nới lỏng các quy định giãn cách xã hội,... Điều này đã tạo xung lực rất lớn cho các ngành công nghiệp tăng trưởng trở lại.

Đồng thời, Chính phủ đã mạnh tay, ban hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, với tổng số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý Nhà nước là chưa đủ.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và rất khó đoán định được tương lai, muốn tồn tại, bản thân các doanh nghiệp phải có những phương án riêng, phù hợp với đặc tính ngành nghề, nhằm thích nghi với đại dịch.

Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Trong giai đoạn đại dịch bùng phát căng thẳng nhất, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may bị tác động rất lớn.

Với doanh nghiệp may có quy mô nhà xưởng khoảng trên 1.000 lao động, tới 10.000 lao động có nguy cơ lây nhiễm rất cao trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn chống dịch, các nhà xưởng sẽ hạn chế số lượng lao động làm việc, điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện đơn hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp may phải trả thêm phí hỗ trợ người lao động. Tất cả những yếu tố này đều tạo ra áp lực cho doanh nghiệp”, ông Đức Anh nói.

Trước những tác động của đại dịch, Vinatex đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm, trong việc sản xuất an toàn, thích ứng với dịch bệnh. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là việc phải làm mọi cách để giữ vững tinh thần của người lao động.

Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương từ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đến doanh nghiệp thành viên thông qua hình thức tuyên truyền sáng tạo như qua kênh phát thanh của công đoàn, phổ biến trong chào cờ, trong giờ nghỉ tại từng phân xưởng sản xuất.

Nhờ đó, nhìn chung giữ được tinh thần tốt cho người lao động, làm việc vất vả hơn nhưng lại có năng suất cao hơn, kỷ luật lao động tốt hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp, tỷ lệ nghỉ việc 6 tháng đầu năm thấp hơn bình quân các năm trên 30%. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện thành công mục tiêu kép, trong đó chống dịch lúc này đang là mục tiêu ưu tiên”, đại diện Vinatex nói.

Đồng tình với nhận định này, ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng: Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải chủ động các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh để thích ứng và thành công.

Riêng với Vinachem, trong thời gian tới, doanh nghiệp áp dụng đồng bộ các giải pháp để nhanh nhất đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Trước mắt ông Chuyên tiết lộ, doanh nghiệp sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn bộ người lao động của doanh nghiệp; thực hiện 5K và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Điều này giúp người lao động cảm thấy an tâm khi làm việc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ nhanh chóng thành lập các Tổ công tác phục hồi sản xuất do người đứng đầu doanh nghiệp phụ trách để xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo phương án luôn được cập nhật, rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn xảy ra.

Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, sớm tiếp cận nguồn tín dụng, cho vay ưu đãi của Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phối hợp với đơn vị thực hiện để thu xếp giải quyết nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các đơn vị bị ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19 gây ra”, ông Chuyên nói.