Ngân hàng Thế giới: Ba điều cần làm để Việt Nam phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19

14/10/2021 13:34 Quảng Dương

GDP quý III/2021 giảm đáng kể

Theo WB, GDP trong quý III/2021 của Việt Nam đã giảm 6,2% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý.

Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan.

Các nhà máy sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đều hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn, do các hạn chế đi lại tiếp tục được áp dụng.

Trong khi đó, các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn ở miền Bắc (trừ Hà Nội) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số nhờ kiểm soát đại dịch thành công.

Ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tương đối vững, tăng trưởng 1,0% (so cùng kỳ năm trước).

Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,6% (so cùng kỳ năm trước), trong khi tăng trưởng nhập khẩu chững lại. Chính vì vậy, đây là tháng đầu tiên có thặng dư thương mại kể từ tháng 4/2021.

Xuất khẩu gần như đi ngang, chủ yếu là do mức giảm 28,3% (so với cùng kỳ năm trước) của xuất khẩu giày da, dệt may và gỗ, nhóm mặt hàng chiếm đến 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020.

kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, chiếm đến 44% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái tiếp tục tăng và một số ngành hàng đạt kết quả rất tốt: điện thoại thông minh (tăng 15,2%), máy móc, thiết bị (tăng 10,9%), máy vi tính & sản phẩm điện tử (tăng 3,0%). Xuất khẩu dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng do đóng cửa biên giới, giảm 10,8% (so cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu dịch vụ tăng 6,9% (so cùng kỳ năm trước) do chi phí vận tải và bảo hiểm tăng vọt.

Lạm phát vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nhu cầu trong nước còn yếu, trong khi tiền đồng tiếp tục tăng giá danh nghĩa trên thị trường chính thức trong nước.

Tăng trưởng tín dụng giảm tốc do cầu tín dụng suy yếu vì các hoạt động kinh tế chững lại, nhưng vẫn tương đương với các mức trước đại dịch nhờ ngân hàng tiếp tục cung cấp vốn vay ưu đãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp để sớm phục hồi nền kinh tế

Cần sớm hồi phục kinh tế

Theo báo cáo của ngân hàng thế giới, mặc dù nửa đầu năm 2021 có kết quả tăng trưởng tốt, mức suy giảm sâu vừa ghi nhận, khiến nền kinh tế Việt Nam chỉ được ước tính tăng trưởng từ 2,0% đến 2,5%, tùy thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021.

Đây là mức dự báo thấp hơn đáng kể so với con số 4,8% mà WB công bố tại thời điểm tháng 8/2021.

Mặt khác theo WB, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ.

Để gỡ bỏ những nút thắt về logistics, WB nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, đồng thời khuyến khích dịch chuyển lao động.

Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Thứ nhất là giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu.

Thứ hai là mở rộng hơn nữa việc hỗ trợ cho người lao động cả nhóm chính thức lẫn phi chính thức, cũng như các hộ gia đình. Nhờ vậy, người lao động có thể vượt qua khó khăn, sớm quay lại sản xuất bình thường.

Thứ ba, Việt Nam cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.