Ngân hàng công bố biểu lãi suất mới lên tới 7,8%/năm

04/04/2022 13:59 Quảng Dương

Đầu tháng 4/2022, Nam Á Bank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm đối với tiền gửi online lên mức 6,5%/năm.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng này vẫn duy trì mức lãi suất 5,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng từ đợt cập nhật lãi suất gần nhất.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) tăng lãi suất gửi tiết kiệm online đến 0,6% một năm ở kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,5% một năm ở kỳ hạn 9 tháng và 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng.

CBBank áp dụng cho hình thức gửi tại quầy và gửi online trong 6 tháng lần lượt là 6,25%/năm và 6,36%/năm.

Bắc Á Bank và Việt Á Bank cùng chào mức lãi suất 6,2%/năm đối với khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng qua kênh trực tuyến.

Với kênh giao dịch tại quầy, MB Bank tăng thêm 0,4% cho lãi suất tiền gửi 12 tháng, lên mức 5,5%. BacABank tăng thêm 0,3% lãi suất cho tiền gửi 6 tháng và 0,1% cho kỳ 12 tháng.

Các ngân hàng còn lại như VietCapitalBank, SeABank, VIB, OCB, DongABank và Techcombank cũng tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy từ 0,01 đến 0,2% một năm.

Đáng chú ý, sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank hiện tại duy trì ở mức 7,8%/năm.

Tuy nhiên, để áp dụng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm bảo hiểm tại Techcombank.

Trước đó, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Nhìn chung trong hệ thống ngân hàng, lãi suất huy động cao nhất đang là 7,6%/năm tại SCB.

Tiếp đó là 7,1%/năm tại Techcombank và 7%/năm tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB). Một số ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất gần 7%/năm như LienVietPostBank 6,99%/năm; MB 6,9%/năm; HDBank 6,85%/năm...

Với nhóm Big4 bao gồm 4 ngân hàng: BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, lãi suất tiết kiệm vẫn giữ ổn định.

Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của cả 4 ngân hàng này đều duy trì ở mức 4%/năm như hồi tháng 3.

Đánh giá xu hướng lãi suất trong năm 2022, các chuyên gia phân tích HSBC cho rằng, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tổ chức này cho rằng lãi suất sẽ được tăng 50 điểm cơ bản vào quý III/2022, sớm hơn so với dự báo đưa ra trước đó hồi quý IV.

Lãi suất điều hành nhiều khả năng điều chỉnh tăng lên mức 4,5% vào cuối năm 2022.

Kết quả điều tra vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng ngay trong quý II/2022, mặc dù mức tăng này được các tổ chức tín dụng kỳ vọng chỉ dao động 0,03 - 0,06 điểm % trong quý II/2022 và 0,13 - 0,18 điểm % trong cả năm 2022.

Tại cuộc họp mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng phải thừa nhận, nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước tới thời điểm này chưa có động thái nào cho thấy sẽ sớm "đảo chiều" chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách lãi suất giữa áp lực lạm phát.