NextTech của Shark Bình làm ăn ra sao sau khi bà Đào Lan Hương rời chức Phó Chủ tịch?

30/08/2022 05:40 daidoanket.vn

Hệ sinh thái đa dạng của NextTech

Mấy ngày gần đây, những thông tin xoay xung quanh Shark Bình (doanh nhân Nguyễn Hòa Bình), Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn NextTech (NextTech Group); bà Đào Lan Hương và một nữ diễn viên nổi tiếng thu hút sự quan tâm không nhỏ của dư luận.

Cũng vì thế, NextTech trở thành "điểm nóng" tìm kiếm của không ít người. Được biết, NextTech Group là "đứa con tinh thần" của Shark Bình và bà Đào Lan Hương, từng được ví như “Alibaba của Việt Nam” và được bầu chọn là một trong Top 10 doanh nghiệp có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam giai đoạn 2007-2017.

Đến nay, Tập đoàn NextTech của Shark Bình ghi dấu trên bản đồ công nghệ Việt Nam với gần 20 dịch vụ điện tử hóa hoạt động tại Việt Nam, 8 thị trường khác tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong 4 lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và đầu tư khởi nghiệp.

Hệ sinh thái của NextTech được đánh giá là thực sự phát triển mạnh mẽ và tạo ra bước ngoặt lớn kể từ năm 2014 khi Shark Bình quyết định chuyển đổi chiến lược kinh doanh từ E-Commercer (thương mại điện tử) sang D-Commerce (điện tử hóa thương mại).

Hiện, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ tên tuổi như mPoS, VIMO, Boxme, FastGo, Ngân Lượng...

Vốn là người đồng sáng lập NextTech, vì vậy, việc bà Đào Lan Hương thông báo rời chức Phó Chủ tịch tập đoàn năm 2017 để gây dựng sự nghiệp riêng khiến không ít người ngỡ ngàng. Bà Hương sau đó đã thành lập công ty startup về mảng giáo dục công nghệ có tên CTCP Công nghệ và Sáng tạo Trẻ TEKY Holdings (Teky Holdings).

Đến tháng 5/2020, bà chính thức chuyển giao toàn bộ 30% vốn góp của mình tại NextTech Group cho ông Nguyễn Huy Hoàng, người có cùng địa chỉ thường trú với Shark Bình.

Tính đến tháng 12/2020, cơ cấu sở hữu Tập đoàn NextTech khá cô đặc. Cụ thể, ông Nguyễn Hoà Bình và ông Nguyễn Huy Hoàng góp 400 tỷ đồng, sở hữu 80% vốn điều lệ; số cổ phần còn lại của NextTech Group do ông Đào Minh Phú sở hữu.

NextTech kinh doanh ra sao?

Về tình hình kinh doanh, liên tiếp trong 4 năm từ 2016 - 2020, NextTech liên tục báo lỗ với kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống. Thậm chí, cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của NextTech âm tới 12,8 tỷ đồng.

Sang đến năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của NextTech Group (công ty mẹ) lần lượt đạt 30,5 tỷ đồng và 81,9 tỷ đồng.

Mặc dù có quy mô vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng, song, tính đến ngày 31/12/2021, quy mô vốn chủ sở hữu của NextTech Group chỉ ở mức 49,5 tỷ đồng.

Trong số các đơn vị thành viên, Ngân Lượng là cái tên nổi bật đáng chú ý trong hệ sinh thái khi được xem như “gà đẻ trứng vàng” cho NextTech Group.

Trong giai đoạn 2016 – 2018, doanh thu của Ngân Lượng liên tục tăng trưởng. Năm 2018, doanh thu công ty đạt đỉnh lên đến 1.898,1 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2017.

Đến năm 2019, doanh thu của Ngân Lượng sụt giảm chỉ còn chưa bằng 1/3 năm trước, chỉ ở mức 424,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại tăng vọt lên 109,5 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm trước.

Năm 2020, NextTech Group và Quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.tech đã công bố đầu tư gần 10 tỷ đồng vào nền tảng tuyển dụng nhân sự TopCV.

Mặc dù là đơn vị sở hữu nền tảng tuyển dụng nhân sự cùng tên, có hơn 5 triệu thành viên, 130.000 nhà tuyển dụng và 180.000 hồ sơ ứng tuyển mỗi tháng nhưng doanh thu và lợi nhuận của TopCV lại khá "khiêm tốn".

Năm 2016, công ty ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 36 triệu đồng và tăng lên 2,2 tỷ đồng trong năm 2017. Doanh thu của công ty tăng gấp 3 lần vào năm 2018, ở mức 6,5 tỷ đồng và đạt 15,1 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, công ty này chỉ báo lãi năm 2018.

Ngoài Ngân Lượng và TopCV, Vimo cũng là một cái tên nổi bật đáng chú ý trong hệ sinh thái của NextTech. Ví điện tử Vimo là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép du khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán tại Việt Nam.

Năm 2019, doanh thu của Vimo ở mức 342,6 tỷ đồng, vượt trội hơn hẳn so với 3 năm trước đó. Tuy nhiên, Vimo chỉ duy nhất một lần báo lãi vào năm 2017 (4,2 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Vimo âm 11,7 tỷ đồng.