Nền kinh tế vượt bão nhờ phát huy nội lực

26/01/2021 09:45 daidoanket.vn

Từ số báo này, Đại Đoàn kết khởi đăng loạt bài về thành công của kinh tế - xã hội nước nhà, với tiêu đề chung “NỀN KINH TẾ VƯỢT BÃO”.

Chủ động, linh hoạt, thích ứng - đó là ý chí và quyết tâm của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.
Chủ động, linh hoạt, thích ứng - đó là ý chí và quyết tâm của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.

Năm 2020, không những nền kinh tế đối diện tình hình dịch bệnh Covid-19 mà thiên tai, bão lũ cũng để lại những hậu quả rất nặng nề. Những tác động cả khách quan lẫn chủ quan đã đặt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát của Chính phủ và các bộ, ngành trong những thách thức rất lớn.

Thành công kép

Trong bối cảnh đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai trên quan điểm thận trọng, phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hài hòa các mục tiêu chung

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2020 mặt bằng giá cả thị trường chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi liên tục và phức tạp trước diễn biển của dịch bệnh Covid-19. Mặt bằng giá có xu hướng giảm hoặc ổn định ở mức thấp trong các thời điểm cung cầu chịu tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh và hồi phục trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% số với cùng kỳ năm 2019, đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội về Chính phủ đã đặt ra trong năm 2020. Cùng với đó, GDP cả nước tăng 2,91%.

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, CPI tăng 3,23% là một thành công “kép”, vừa tăng trưởng dương vừa kiểm soát được lạm phát, điều nhiều nền kinh tế thế giới không làm được trong năm qua.

Ở góc độ điều hành vĩ mô, Chính phủ luôn có những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời. Cụ thể, Chính phủ triển khai hàng loạt gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong đó có việc kiềm chế đà tăng giá để khống chế lạm phát, giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đặc biệt là các chính sách miễn giảm thuế quan, hải quan kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại EVFTA.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng có 3 yếu tố để Việt Nam đạt kết quả lớn trong năm khó khăn 2020. Đầu tiên và quan trọng nhất, quyết định khả năng cầm cự, duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế Việt Nam là sự quyết liệt, bản lĩnh và sáng tạo của Chính phủ, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ đã có tác động khá toàn diện đến người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn lực để cầm cự, xoay xở dù tác động của chính sách chưa được như kỳ vọng ban đầu.

Điểm nữa là thành công trong công tác chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đã quay trở lại, người dân cũng quay về cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”.

Yếu tố thứ ba là tính linh hoạt và khả năng ứng phó của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt đã dùng nhiều cách để vượt qua khó khăn như: Chuyển đổi sản phẩm, linh hoạt trong tiếp cận với khách hàng, linh hoạt trong cách kinh doanh như thương mại điện tử và kinh tế số.

Bức tranh kinh tế - xã hội 2020 đã cho thấy Việt Nam đã có sức chống chịu tốt và thành quả này sẽ làm các nhà đầu tư thế giới và Việt Nam lạc quan hơn vào triển vọng tương lai. Nền kinh tế Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới.

Linh hoạt, chủ động trong dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã “vượt qua bão”.
Linh hoạt, chủ động trong dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã “vượt qua bão”.

Củng cố an ninh tài chính quốc gia

Trong một năm vô cùng khó khăn, giữ được giá cho đồng tiền không hề dễ. Nếu không giữ được, sẽ dẫn tới sự xáo trộn lớn của nền kinh tế. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Để thực hiện điều này, các cơ quan hoạch định chính sách luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Có thể nêu ví dụ mới nhất: Ngày 25/1/2020, cập nhật bảng tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.137 VND/USD. Còn tại ngân hàng, tỉ giá Vietcombnak niêm yết ở mức: 22.955 đồng - 23.165 đồng (mua - bán).

Giới chuyên gia nhận định, tỷ giá USD/VND đã ổn định suốt một thời gian dài (ngoại trừ thời điểm tháng 3/2020 ảnh hưởng mạnh nhất dịch Covid-19). Tỷ giá ổn định cũng chính là điểm cộng của nền kinh tế trong năm qua cho tới nay.

Trong bối cảnh đó, năm 2020 kinh tế Việt Nam đã xuất siêu ước tính đạt 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Dù dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD. Đây vẫn là một con số đầu tư tương đối lớn.

Chưa hết, theo ước tính, dự trữ ngoại hối đã tăng 21 tỷ USD trong năm 2020 và chạm mốc 100 tỷ USD, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu.

Tất cả hợp lực khiến cho tỷ giá luôn ổn định. Với sự ổn định tiền tệ như vậy, NHNN nhiều lần khẳng định chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Thậm chí, đã không ít lần, NHNN cho biết với tiềm lực ngoại tệ sẵn có, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết, với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Không những thế, theo các chuyên gia, tỷ giá ổn định còn là “bộ đệm” quan trọng giúp nền kinh tế chống chịu với những bất định bên ngoài, tạo thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư. Trên thực tế, đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại trong một năm đầy khó khăn.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, việc găm giữ, đầu cơ ngoại tệ không còn xảy ra như trước đây. Điều đó khách quan cho thấy mức độ ổn định của đồng tiền Việt Nam nói riêng cũng như nội lực của nền kinh tế Việt Nam nói chung.    

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng với những gì diễn ra trong năm 2020, năm 2021 này các doanh nghiệp không phải suy nghĩ nhiều mà cần mạnh dạn đầu tư. Nói như ông Thân, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải phát triển một nền kinh tế uyển chuyển, linh động và linh hoạt trước mọi vấn đề, vững vàng trong mọi tình huống.