Năm Tân Sửu, nên đầu tư cái gì và bí quyết thành công

14/02/2021 07:37 toquoc.vn

Đó là nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề năm Tân Sửu, nên đầu tư thế nào?

Năm Tân Sửu, nên đầu tư thế nào? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

- Theo ông nhận định, tình hình kinh tế năm 2021 có gì khởi sắc?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Có thể nói, 2020 là một năm kinh tế khó khăn vì sự tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, dẫn đến tăng trưởng GDP thấp nhất 10 năm qua. Tuy nhiên Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương 2,91% là một điều đáng mừng.

Trên nền tảng đó, khi bước qua năm 2021 sẽ là một năm tăng trưởng mạnh hơn nhiều, từ nền tảng thấp 2,91% thì việc bước lên mức tăng trưởng từ 6-7% là không quá khó, ít nhất là 6%, mà theo Chính phủ ước tính là 6,5%. Theo tôi, đây là mức hoàn toàn khả thi.

Nhưng để đạt được kết quả khả thi đó, cần có hai điều kiện quan trọng đó là kiểm soát dịch bệnh và nền ngoại thương bảo đảm. Hai yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, Việt Nam dù có tiếp tục tăng trưởng tốt, nhưng không có gì bảo đảm năm nay Việt Nam sẽ đạt được mức kim ngạch xuất nhập khẩu như năm ngoái. Nguyên nhân là vì Việt Nam dựa nhiều vào ngoại thương, nếu kinh tế toàn cầu khó khăn, suy yếu nghiêm trọng thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo.

Ngoài ra, sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp cũng là một vấn đề lớn, sau khi đã suy yếu nhiều và tới đây sẽ còn thấy tác động lớn hơn, trong đó, một số ngành trọng điểm như du lịch, giao thông vận tải và hàng không.

Xin ông phân tích về một số lĩnh vực đầu tư trong năm nay như vàng, bất động sản, chứng khoán và cả tiền ảo,...?

Trên cơ sở nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tốt như vậy, vẫn luôn có 6 kênh đầu tư được mọi người quan tâm bao gồm: tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, vàng và gần đây tuy không được hợp hóa nhưng nhiều nhà đầu tư còn tham gia tiền ảo. Hoặc nhà đầu tư có thể ưu tiên đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp mong muốn thay vì đi vào thị trường.

Thứ nhất, kênh tiền gửi ngân hàng, đây là kênh đầu tư siêu truyền thống và rất được  quan tâm, vì hiện nay hệ thống ngân hàng trên toàn quốc vô cùng phổ biến và tiện ích. Từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo, gần như ai cũng có tài khoản ngân hàng để giao dịch. Mặc dù lãi suất tiền gửi thấp, nhưng tính an toàn lại cao nhất so với các kênh đầu tư khác, cộng thêm việc rút tiền linh hoạt là một điểm hấp dẫn.

Thứ hai, kênh đầu tư chứng khoán , có thể nói thị trường chứng khoán năm 2020 và đầu năm 2021 có sự tăng giảm cực mạnh khi thị trường rơi xuống điểm đáy, và tăng vọt với chỉ số VN-Index từ 700 lên 1200 điểm. Theo tôi, nguyên nhân chính là do độ nóng của thị trường và giới đầu cơ thổi giá, cùng tâm lý "bầy đàn" của người tham gia hơn là vì nền tảng kinh tế tác động.

Chúng ta đều biết nền tảng kinh tế năm 2020 ko hề tốt từ GDP, kiểm soát lạm phát, đến lãi suất,... nhưng chứng khoán lại bật tăng bất thường, chứng tỏ thị trường chứng khoán không dựa trên các nền tảng này. Thêm vào đó, khi lãi suất ngân hàng xuống thấp, dẫn đến người dân đi vay nhiều để đầu tư cũng góp phần đẩy thị trường lên cao trào. Thông thường lãi suất ngân hàng và giá chứng khoán luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Khi không tìm thấy các kênh có tỷ lệ sinh lời cao thì các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào chứng khoán cũng là điều dễ hiểu.

Thứ ba, kênh đầu tư bất động sản (BĐS), các sàn giao dịch bất động sản dường như đóng băng khi dịch bệnh bùng phát lần thứ nhất, giai đoạn đầu năm 2020 và ảnh hưởng nghiêm trọng ở lần bùng phát dịch bệnh thứ 2 vào giữa năm. Tuy nhiên, vẫn có sự phục hồi trở lại vào cuối năm và giá bất động sản không bị giảm nhiều.

Các phân khúc vẫn duy trì tốt, BĐS đất nền rất nóng và có dấu hiệu thổi giá, chỉ có phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, du lịch, khách sạn là giảm mạnh.

BĐS thương mại cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh bao gồm các trung tâm mua sắm, nhà hàng, cho thuê.

Với BĐS công nghiệp thì tuỳ vùng, có những vùng không cho thuê được, nhưng có những vùng vẫn rất sôi động và đây vẫn là bức tranh tranh tối tranh sáng, chưa rõ ràng.

Riêng BĐS nông nghiệp có một sức hấp dẫn đặc biệt, mặc dù trong bệnh dịch nhưng nhiều người vẫn bỏ tiền vào BĐS nông nghiệp theo trào lưu thích về quê sinh sống, gần gũi thiên nhiên. Tuy nhiên giấy phép kinh doanh bất động sản này lại khá khó khăn, các khu vực quy hoạch nông nghiệp nhưng lại có nhà nghỉ, khách sạn và các cơ sở thương mại mọc lên. Cần lưu ý về vấn đề pháp lý đối với phân khúc này.

Thứ tư, về ngoại tệ, kênh này hoàn toàn không hấp dẫn trong năm qua do gía đô la Mỹ không tăng, và tỷ giá vẫn rất ổn định. Trong khi đó, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, không thích hợp với các nhà đầu tư thông thường.

Thứ năm là kênh Vàng , thị trường vàng cũng biến động cực mạnh năm 2020 khi vàng thế giới có lúc lên đến 2.200 USD rồi rớt xuống1.800 USD/oz. Vàng trong nước thì biến động ít hơn, quanh mức 65-66 triệu đồng/lượng. Đã có rất nhiều người mất tiền khi mua lúc giá vàng cao và bị xuống giá nhanh.

Trong năm nay, thị trường vàng sẽ đi về đâu, có biến động thế nào còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Trong các cuộc khủng hoảng, vàng luôn chiếm ưu thế nhưng tác động phụ là Chính phủ bơm tiền vào lưu thông, vií dụ như Mỹ đưa ra gói cứu trợ 1900 tỷ USD, mỗi lần cứu trợ như vậy làm giảm giá trị đồng đô la Mỹ, khiến giá vàng tăng cao.

Ngoài ra, các khủng hoảng về quân sự như cuộc đảo chính ở Myanma vừa qua, hay điểm nóng hạt nhân với Iran và căng thẳng biển Đông,... tất cả những khủng hoảng này đều đẩy giá vàng lên cao.

Thứ sáu, một kênh đầu tư phi truyền thống mới nổi đó là tiền ảo , đồng bitcoin đã tăng giá từ mức 4000 USD/BTC lên hơn 40.000 USD/BTC trong năm qua. Sở dĩ đồng tiền này bấp bênh như vậy là do không có bảo chứng, mà chỉ là một thuật toán qua công nghệ blockchain và chịu điều tiết giá của thị trường. Đây cũng là trò chơi lợi nhuận tổng bằng 0, không giống các lĩnh vực được bảo hộ khác.

Trong năm nay, theo tôi nhìn nhận còn có thêm một kênh đầu tư khá mới đó là đầu tư vào lĩnh vực P2P (cho vay ngang hàng). Đây cũng là một kênh phi truyền thống và đang được pháp luật dự thảo quy định và điều chỉnh. Nếu hành lang pháp lý ổn định và có các chế tài phù hợp, P2P có thể nổi lên như một kênh đầu tư tiềm năng trong giai đoạn tới.

Việt Nam và thế giới đã trải qua một năm 2020 vô cùng khốc liệt khi vừa chống chọi đại dịch, vừa ổn định kinh tế. Với kinh nghiệm xương máu rút ra từ năm qua, theo ông, nhà đầu tư nên đầu tư vào các lĩnh vực như thế nào?

Năm nay tình hình vẫn có thể bất ổn hơn và chưa nói trước điều gì. Trước sự khó lường đó, theo tôi, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh uy tín, an toàn, lãi suất thấp nhưng qua quý 2/2021, kinh tế ổn định hơn thì lãi suất có thể tăng. Và ngược lại, mặc dù bất lợi cho người gửi nhưng đây lại là nhu cầu tất yếu.

Bất động sản năm nay cũng là một kênh đầu tư tiềm năng, chủ yếu là bất động sản nhà ở và BĐS khu công nghiệp khi mà Việt Nam đang gia nhập sâu rộng vào các Hiệp định Thương mại và đón nhiều làn sóng đầu tư tốt. Riêng BĐS nghỉ dưỡng và du lịch là những phân khúc phải cực kỳ thận trọng, không nên đầu tư vì rủi ro vẫn tiềm ẩn quá lớn.

Về kênh đầu tư vàng, tôi dự báo giá vàng có thể sẽ tăng, vì dịch bệnh và khủng hoảng trên thế giới. Tuy nhiên nhà đầu tư trong lĩnh vực này cần tỉnh táo và có cái đầu lạnh.

Nhất là trong ngày Thần tài tới đây, giá vàng có thể tăng vọt, nhưng mua vàng ngày này độ rủi ro rất lớn, sau ngày Thần tài giá vàng sẽ giảm sâu. Nếu nhu cầu mua vàng vì yếu tố tâm linh hay tập quán do thói quen của người Việt thì không sao, còn nếu mua đầu tư vào dịp này thì không nên vì rất rủi ro.

Năm nay, kênh ngoại tệ thực sự  "không ăn tiền" vì NHNN sẽ duy trì tỷ giá ổn định trong bối cảnh Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ cùng nhiều yếu tốt bất ổn khác trên thế giới.

Đối với chứng khoán, cần hết sức cẩn trọng do tình hình kinh tế sẽ vẫn bị tác động bởi dịch bệnh. Các nhà đầu tư nên tìm những mã  cổ phiếu của nhà phát hành uy tín, tránh các mã cổ phiếu tăng giảm mạnh, độ rủi ro lớn vì tình hình phá sản của các doanh nghiệp năm nay có thể nghiêm trọng hơn năm qua. Trong đó, các mã chứng khoán thuộc nhóm ngân hàng sẽ ổn định hơn những lĩnh vực khác.

Đầu tư vào tiền ảo thì càng phải lưu tâm, vì sự lên xuống có yếu tố đầu cơ thổi giá ở lĩnh vực này khiến nhà đầu tư cò con dễ mất tiền.

Thị trường tài chính vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần cân não, vậy các nhà đầu tư nên chuẩn bị điều gì để ứng phó, thưa ông?

Trong nguyên tắc đầu tư, chúng ta nên phân bổ túi tiền của mình hợp lý bằng cách "trứng bỏ nhiều giỏ". Đừng tập trung túi tiền vào một lĩnh vực nào và không bao giờ lấy tiền kinh doanh, tiền lương hàng tháng để đi đầu tư, mà chỉ nên dùng tiền tiết kiệm, nhàn rỗi, tránh ảnh hưởng đến đời sống cơ bản.

Với các yếu tố như năm nay, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao danh mục của mình, không nên đầu tư ngắn hạn mà nên nghiên cứu trung và dài hạn, đặc biệt đối với thị trường vàng. Ngược lại, với BĐS hoặc chứng khoán thì có thể đầu tư ngắn hạn, "lướt" nhanh khi có cơ hội.

Rủi ro lớn nhất ở thị trường tài chính là biến động giá, vì vậy phải thường xuyên theo dõi giá cả niêm yết, chính thống hay không chính thống. Theo dõi giá thì đừng hoảng hốt, bán tháo khi giá có dấu hiệu suy giảm, đó là bẫy thanh khoản. Tâm lý nhà đầu tư nên bình tĩnh, thận trọng không theo xu hướng bầy đàn, hiệu ứng đám đông. Điều này đã xảy ra rất nhiều ở thị trường vàng và chứng khoán. Song, bất kỳ thị trường nào suy giảm cũng đều có cơ hội phục hồi trở lại.

Một điều đáng chú ý nữa đó là "kỷ luật tài chính" và chốt mục tiêu, khi đầu tư cần phải có điểm cắt lỗ và chốt lời, không để lòng tham lấn áp lý trí sẽ dễ bị rơi vào bẫy tài chính, rất khó tháo gỡ.

Xin cảm ơn ông!