Năm 2022, lãi suất cho vay ngân hàng liệu có giảm thêm?

29/12/2021 07:58 congluan.vn

Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, 16 ngân hàng thương mại, chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp và đang cản trở kinh tế hồi phục, một số ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét giảm thêm lãi suất, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Vụ phó, Vụ Chính sách Tiền tệ cho rằng: Trong 2 năm qua (2020 - 2021), Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân hồi phục kinh tế. Tính đến tháng 11/2021, mặt bằng lãi suất đã giảm 0,82%.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao với mức lãi suất thấp hơn bình thường, khoảng 4,5%/năm. Lãi suất cho vay thực tại ngân hàng với 5 lĩnh vực này chỉ khoảng 4,32%/năm, thấp hơn các nước có nền kinh tế tương đồng. 

“Trên thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, để kinh tế thực sự có đà bứt phá trong năm 2022, chúng tôi vẫn xem xét, căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh lãi suất cho phù hợp”, ông Quang nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2021 có thể đạt xấp xỉ khoảng 14%. Năm 2021, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và thực hiện các chương trình kéo dài thời gian trả nợ, cho vay mới, Ngân hàng Nhà nước đã nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Thậm chí, dù chưa hết năm 2021, nhưng đã có ngân hàng cam kết lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022, có thể là giãn nợ, cơ cấu lại nợ hoặc điều chỉnh lại lãi suất cho phù hợp.

Ngoài ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến nay, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020. Trong đó, lượng kiều hối chuyển qua tổ chức tín dụng là 70%, chuyển qua công ty kiều hối 28%, chuyển qua công ty bưu điện khoảng 2%.

"Đây là một năm khó khăn nhưng bà con kiều bào vẫn hướng về Tổ quốc rất nhiều. Đây là nguồn ngoại tệ rất quan trọng trong điều kiện chúng ta còn khó khăn, cần nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển đất nước", ông Tú nhấn mạnh.