Những "tai to, mặt lớn" vào tù năm 2020

02/01/2021 06:05 daidoanket.vn

Ông Nguyễn Đức Chung.

Ông Nguyễn Đức Chung.

1. Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngồi tù 5 năm

Ông Nguyễn Đức Chung- cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội có lẽ là cái tên được chú ý nhất trong danh sách những quan chức có quyền lực “xộ khám” trong năm 2020. Ngày 28/8/2020, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Việc ông Chung bị khởi tố, bắt giam khiến dư luận sửng sốt bởi ít người nghĩ một vị Chủ tịch thành phố lại ăn cắp, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trước đó ông Chung còn bị cho là dính líu đến vụ buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu, xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (Công ty Nhật Cường). Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Ngày 11/12/2020, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù.

Ông Tất Thành Cang.
Ông Tất Thành Cang.

2. Cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang cuối cùng cũng bị tạm giam

Việc ngày 16/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt để tạm giam ông Tất Thành Cang (Phó Trưởng Ban Biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP HCM; cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) cũng khiến dư luận xôn xao và Báo chí tốn không ít giấy mực.

Ông Tất Thành Cang được xác định có sai phạm liên quan đến việc bán 9 triệu cổ phiếu tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Trước đó, vào tháng 5/2019, Công an TP HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), nguyên Tổng Giám đốc Sadeco) để điều tra về 2 tội danh “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Liên quan đến “phi vụ” trên, Thanh tra TP HCM xác định IPC thực hiện việc này theo Văn bản số 495 ngày 18/5/2017 truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP (thời điểm này là ông Tất Thành Cang).

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm.
Ông Nguyễn Nhật Cảm.

3.Trục lợi mùa dịch, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm ngồi tù “bóc lịch” 10 năm

Ngày 22/4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội cùng nhiều đối tượng liên quan.

Theo điều tra, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Cơ quan điều tra xác định, tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỉ đồng, được nâng khống thành hơn 9 tỉ đồng. Theo đó, số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 5 tỉ đồng. Cơ quan tố tụng xác định, ông Nguyễn Nhật Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hoá, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường đối với gói thấu 15 theo quy định của pháp luật.

Ngày 12/12/2020, TAND TP Hà Nội đã tuyên án mức án 10 năm tù đối với ông Nguyễn Nhật Cảm về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Quốc Anh.
Ông Nguyễn Quốc Anh.

4. Nâng giá thiết bị, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là người có tiếng trong ngành y, từng được bệnh nhân tin tưởng nhưng đã bị khởi tố, bắt giam vì có hành vi vụ lợi trong đề án xã hội hóa trang thiết bị khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai. Dư luận càng bàng hoàng hơn thay vì đặt mục tiêu người bệnh lên hàng đầu thì vị PGS.TS này đã cùng các đồng phạm trắng trợn nâng giá “móc túi” những người bệnh khốn khổ.

Ngày 25/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh (Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), cùng 2 đồng phạm khác là Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Trịnh Thị Thuận (Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trước đó, ngày 31/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan.

Theo kết quả điều tra của Bộ Công an về đề án liên danh, liên kết tháng 1/2017 giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS, Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết số 02/HĐKL/BVBM-BMS ngày 27/2/2017.

Theo đó, hệ thống phẫu thuật chính xác cao có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và robot hỗ trợ rosa trong phẫu thuật sọ não (xuất xứ Pháp) có tổng giá trị đầu tư là 39 tỉ đồng. Vốn do bên B đầu tư, thời hạn liên kết là 7 năm (2017-2024). Sau khi trừ chi phí thuế và các chi phí chung (bao gồm cả chi phí bảo hiểm rủi ro và chi phí phải trả lãi vay ngân hàng), bên A được hưởng 50%, bên B 50% chệnh lệch thu chi.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ CV10/2019/BMS, ngày 22/10/2019 của Công ty BMS cho thấy, giá của các thiết bị theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) là 7.056,59 triệu đồng. Chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ là 2,5 tỉ đồng; chi phí thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế là 1,08 tỉ đồng; Thuế VAT 5% là 352,83 triệu đồng.

Tổng tất cả các chi phí khi mua máy robot rosa là hơn 10,9 tỉ đồng. So với con số 39 tỉ đồng được ghi trong hợp đồng, số tiền bị đội lên gấp gần 4 lần.

Như vậy, giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.

Ông Vũ Huy Hoàng.
Ông Vũ Huy Hoàng.

5. Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và vụ án tiếp tay cho tư nhân lấy “đất vàng”

Đó là khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP HCM), đã bị dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân. Trước đó, Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương vốn mức 89%) quản lý sử dụng khu đất này.

Tuy nhiên ông Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương đề nghị của Sabeco triển khai thực hiện kinh doanh liên kết thành lập công ty Sabeco Pearl trái với quy định.

Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của Vũ Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương đang lẩn trốn), ông Phan Đăng Tuất chủ tịch HĐQT phụ trách tại Sabeco đã có văn bản đề nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ tổng công ty Sabeco sang công ty Sabeco Pearl. Từ đó, các sở, ban, ngành thuộc UBND TP HCM đã tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín (cựu phó Chủ tịch UBND TP HCM) ban hành quyết định cho công ty Sabeco Pearl thuê đất trái quy định.

Đến nay, Công ty cổ phần đầu tư quảng trường Mê Linh (tiền thân là công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.