Một sắc thuế được ủng hộ

19/05/2023 11:24 daidoanket.vn

Giảm thuế được cho là “khoan thư sức dân”, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nhưng, ngược lại, có sắc thuế đề xuất tăng lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Đó là việc mới đây trong dự thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, như thuốc lá, rượu bia.

Theo cơ quan chức năng, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá, rượu bia tại Việt Nam chỉ chiếm 30% đến 40% trong giá bán lẻ, thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng: từ 40 đến 85%. Báo cáo điều tra 193 nước của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, khoảng 90% số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nước uống có cồn. Trong khi đó, WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị mức thuế đối với thuốc là và rượu bia nên chiếm từ 65 đến 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá.

Được biết, thuế đối với thuốc lá của Việt Nam hiện chiếm khoảng 38,85%. So với các quốc gia Đông Nam Á là thấp. Cụ thể, mức thuế này ở Brunei là 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50%. Trong khi đó, theo Bộ Y tế, có đến 43% nam giới nước ta hút thuốc.

Với rượu bia, tình trạng cũng tương tự. Một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á. Tình hình tiêu thụ rượu bia vẫn nhích tăng qua các năm (kể từ thống kê vào năm 2019). Hiện lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít/năm còn rượu là 3,4 lít/năm. Trong khi các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng rượu bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội (như tai nạn giao thông (TNGT), chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo...). Rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ TNGT ở nam giới độ tuổi 15 đến 49.

Được biết, hiện nay thuế rượu bia ở nước ta vào khoảng 30% giá bán lẻ. Trong khi đó ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40 đến 85%.

Khuyến cáo của WHO, thuế cao là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan rượu bia. Thống kê cũng cho thấy, trong số 100 nạn nhân tử vong do TNGT liên quan đến rượu, bia thì độ tuổi từ 15 - 29 chiếm gần 60%.

Còn một nghiên cứ khác của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong số 548.000 ca tử vong mỗi năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%). Đáng chú ý, theo cơ quan y tế, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương. Rượu bia cũng là nguyên nhân gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình. Thống kê gần đây cho thấy, ở nước ta có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia (tính trong vòng 30 ngày). Riêng với nam giới, cứ 3 người thì có 1 người uống rượu bia “ở mức nguy hại”.

Theo WHO, khi giá bán rượu bia tăng lên thì lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm. Giá tăng 20% có thể làm giảm 13% mức tiêu thụ rượu bia. TNGT cũng có thể giảm 23%.

Tới nay, không ai còn nghi ngờ về tác hại của thuốc lá, rượu bia nhưng đáng tiếc là số người sử dụng, kể cả nghiện nặng vẫn không giảm. Cùng đó, giới trẻ “gia nhập đội quân nghiện ngập” cũng là điều rất đáng chú ý. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền thì việc áp thuế cao với thuốc lá rượu bia cần phải được coi là một “biện pháp chế tài” quan trọng để điều chỉnh hành vi. Đánh vào túi tiền chính là kết quả cho thấy rất rõ ở những quốc gia áp thuế cao với thuốc lá, rượu bia.

Nhân đây xin được dẫn ra số liệu từ Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), mỗi năm người Việt Nam chi tiêu cho rượu bia khoảng 5 tỷ USD/năm; các thiệt hại xung quanh rượu bia lên tới mức 450 USD/người/năm, tương đương với những quốc gia có thu nhập bình quân gấp 10 lần Việt Nam.

Còn với thuốc lá, Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, khi mà người dân bỏ ra đến 49.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá.