Mở cửa du lịch từ 15/3: Tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch phục hồi toàn diện

19/02/2022 06:06 congluan.vn

Theo thông tin từ hội thảo, sau 2 năm quay cuồng với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, các quốc gia điều chỉnh từ chiến lược "zero Covid-19" sang sống chung với Covid-19, giúp ngành du lịch có những bước phục hồi đầu tiên.

Trong bối cảnh ấy, tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" có ý nghĩa thiết thực với cơ quan nhà nước, sớm thống nhất chủ trương để đưa ngành kinh tế sớm phục hồi, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó, việc mở cửa phát triển kinh tế gắn với đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt người yếu thế là bài toán cần lời giải của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh đó, thông tin Chính phủ đề xuất mở cửa du lịch từ 15/3, là tín hiệu tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện.

Bài toán cần lời giải của du lịch Việt Nam

Mở đầu sự kiện, ông Lâm Hải Giang - Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sự tham gia của nhiều ngành.

Những năm qua, du lịch tỉnh Bình Định có sự phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng.

Điều đó giúp tỉnh đạt được những kết quả tích cực như cuối năm 2019, tỉnh đón lượng khách trên 4,8 triệu lượt, tạo ra 123.000 việc làm, đóng góp 7,2% GRDP của tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, trước những tác động của Covid-19, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Cả năm 2020, tỉnh đón 2,2 triệu lượt khách, giảm 54% so với cùng kỳ.

Lũy kế 10 tháng đầu 2021, Bình Định đón trên 1,2 triệu khách, doanh thu đạt 1.616 tỷ đồng.

"Có thể nói, đại dịch là biến cố chưa từng có với du lịch toàn cầu, biến đây là chuỗi ngày tồi tệ nhất của du lịch toàn thế giới", ông Giang nói.

Thời cơ vàng để hồi phục

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cho biết, thông tin Chính phủ đề xuất mở cửa du lịch từ 15/3, là tín hiệu tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện.

"FLC mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, trong đó có Bình Định quảng bá tiềm năng, kích cầu du lịch", ông Hùng nói.

Đại diện FLC nhấn mạnh, một quy trình toàn diện, có sự chung tay của các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, sự nhất quán về chính sách sẽ là giải pháp hữu hiệu, gíup du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng với kịch bản tích cực nhất..

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch - ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá, khi các du khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao yếu tố an toàn trong điểm đến du lịch, trong đó có Bình Định.

Trả lời câu hỏi về thời điểm mở cửa du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu không bóng người, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.

"Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước", ông Bình nhấn mạnh.

Chính vì vậy, nhiều bộ ban ngành và các địa phương đã bày tỏ thái độ ủng hộ việc mở lại du lịch. Lập tức chính phủ đã nhanh chóng đưa ra quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3.

Việc mở cửa du lịch không chỉ là từ nguyện vọng của người dân mà còn cho thấy được năng lực của các bộ ban ngành trong việc đáp ứng trong trạng thái bình thường mới.

Hiện tại, điều cần làm là phải mở cửa nhanh du lịch và tập trung làm thế nào để triển khai trong trạng thái bình thường mới.

Ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều sự tranh luận về việc mở cửa du lịch. Tuy nhiên nhìn chung, thế giới có xu hướng mở cửa trở lại.

Trả lời cho những tranh luận, ông Bình cho rằng: "Vấn đề là sự kiên quyết chúng ta có làm được hay không du việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tôi tin sẽ làm được".

Ở một số nước, đặc biệt là ở Châu Âu đã mở cửa lại du lịch rất nhanh, người dân đã bắt đầu đi du lịch và cảm giác cuộc sống của họ đã trở lại bình thường. Họ đi ăn uống, đến nhà hàng, đến các điểm tham quan.

 

Người dân đã bước vào giai đoạn bình thường mới, coi việc sử dụng khẩu trang, khai báo y tế, thẻ vắc xin là việc bình thường.

Điều này cho thấy sự lan toả từ chủ trương nhà nước đã thấm vào cuộc sống của người dân. Họ đã quen với bình thường mới với những thứ không bình thường trước đây.

Tại Việt Nam, chúng ta mở cửa chậm hơn nhưng cũng có sự đồng hành của các cấp ngành cùng với người dân địa phương trong trạng thái bình thường mới.

Vẫn thiếu nhất quán trong việc mở cửa

Nhận xét về lộ trình mở cửa của du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng: "Chúng ta có thể tự tin với quyết định mở cửa ngành du lịch vì chúng ta có những điều kiện có thể cạnh tranh như tài nguyên dồi dào, hấp dẫn, có tiềm năng cạnh tranh mạnh mẽ. Ngay dịp Tết, cả nước có 6,2 triệu lượt khách du lịch trong 9 ngày, cho thấy tâm thế sẵn sàng đi du lịch của người Việt Nam".

Tuy nhiên, ông Bình cũng đưa ra những điểm yếu của du lịch Việt Nam như thiếu tính nhạy bén, thận trọng mở cửa hơn các nước, thiếu nhất quán trong việc triển khai ứng phó với Covid-19 như mỗi tỉnh có một chính sách cách ly.

"Trong việc chào đón xuất nhập cảnh, chúng tôi kiến nghị làm như trước năm 2020, chứ không thể thụt lùi, bởi việc này cũng đã mang lại hiệu quả từ hàng chục năm nay", ông Bình nói.

Theo ông Bình, sự thiếu nhất quán sẽ ảnh hưởng đến việc cạnh tranh du lịch. Khi đó, trách nhiệm sẽ dồn lên những người làm du lịch. Các doanh nghiệp cũng cần quyết liệt hơn, giúp ngành có khả năng khôi phục nhanh, khai thác lợi thế để tăng trưởng nhanh chóng.

6,2 triệu khách du lịch trong dịp Tết

Nhìn lại các kết quả của chương trình tái khởi động du lịch với nội địa và quốc tế trong thời gian qua, Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đánh giá, dịp Tết vừa qua là sự khởi đầu ấn tượng của hoạt động du lịch.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch. Ảnh: Giang Huy.

Ông Phương dẫn số liệu, có 6,1 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết, với 3,2 triệu khách lưu trú. Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn.

"Đây là những vấn đề cần tính toán trong bối cảnh mở cửa bình thường mới, không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ", ông Phương lưu ý.

Trước đó, tháng 11 năm ngoái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhận được sự ủng hộ của các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp.

"Đã có 9.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết nguyên đán, thể hiện sự quan tâm của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga...", ông Phương thông tin.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như điểm đến văn hoá, di sản, ẩm thực, golf... tốt nhất châu Á, góp phẩn xúc tiến, quảng bá các điểm đến.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thí điểm triển khai mở cửa, vẫn có những khó khăn. Như Hàn Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch vào tháng 12, hay Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "zero Covid-19", khiến hợp đồng du lịch đến Việt Nam hạn chế lại.

Đại diện Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch còn cho hay, việc hàng không tăng cường kết nối sẽ là những bước khởi động cho hoạt động du lịch phục hồi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, lấy ý kiến về lộ trình mở cửa, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023.

Đặc biệt, theo lộ trình mở cửa từ 15/3 sẽ theo bối cảnh bình thưởng mới, linh hoạt hơn, như trước đây yêu cầu xét nghiệm PCR, đi tour trọn gói 3 ngày, thì nay hàng không có hai phương án áp dụng, như xét nghiệm có giá trị 72 giờ, ở các thị trường khó khăn có thể xét nghiệm nhanh có giá trị 24h, không phải test tại sân bay mà về cơ sở lưu trú.

"Điều này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và khách du lịch", ông Phương nói.

Ông cũng giải đáp thắc mắc về những thay đổi và khác biệt trong các quy định về lộ trình mở cửa du lịch lần này so với các chương trình thí điểm.

Đầu tiên là các địa phương sẽ căn cứ vào mức độ an toàn và kết quả phòng chống dịch để triển khai mở cửa du lịch. Khách du lịch cũng được mở rộng đối tượng là tất cả các khách nội địa lẫn quốc tế.

Ngoài ra, tất cả các cửa khẩu cũng đã sẵn sàng đón khách.

Trước đây chúng ta chỉ đón khách qua đường hàng không nhưng giờ sẽ mở cửa hết các cửa khẩu cả trên đường bộ và đường biển.

Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng cũng ủng hộ quyết định mở cửa các cửa khẩu và sẵn sàng đón khách.

Bên cạnh đó, tất cả các địa phương trên cả nước cũng sẽ được mở cửa đón khách. Điều kiện đón khách du lịch sẽ bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch theo Bộ Y tế.

Ông Phương cho biết thêm, vấn đề về thị thực sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới như áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương.

Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ có ý kiến báo cáo Chính phủ.

Ngoài ra, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm Covid-19 cũng được nới lỏng hơn. Hiện tại khi nhập cảnh qua đường hàng không, khách quốc tế sẽ được áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm.

Kết quả PCR có giá trị trong 72h, test nhanh có giá trị trong 24h. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày, giống như điều kiện của khách nội địa.

Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay cửa khẩu, có kết quả âm tính là được nhập cảnh. Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng sẽ triển khai phương pháp này.

"Covid-19 không thể giết chết ngành du lịch"

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, Covid-19 không giết được ngành du lịch, mà chỉ làm ngành tạm thời ngừng trệ.

Bởi vậy, ngay khi dịch bệnh từng bước khống chế, du lịch sẽ sớm phục hồi, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của con người. "Tôi tin tưởng du lịch sẽ sớm trở lại", ông Đức nói.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, nếu như trước đây ngành tập trung du lịch quốc tế, thì giờ Việt nam đứng trên hai chân kiềng, nội địa và quốc tế.

Về du lịch nội địa, các doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhu cầu người dân rất cao, minh chứng ở kết quả du lịch dịp Tết Nguyên đán.

Ông Đức nhấn mạnh, giai đoạn này, một là các doanh nghiệp phối hợp với nhau, làm mới sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới; hai là đẩy mạnh truyền thông để kích hoạt nhu cầu của người dân, khẳng định ngành du lịch an toàn với những sản phẩm phù hợp.

Về du lịch quốc tế, ông Đức nhấn mạnh các cơ quan, ban ngành nên có những chương trình riêng để thu hút du khách cả ngắn hạn và dài hạn.

"Các doanh nghiệp cần đặt yếu tố an toàn lên cao nhất để các du khách an tâm đến với Bình Định", ông Vũ lưu ý.