Mở cánh cửa vào thị trường Bắc Âu: Cơ hội mới cho hàng Việt

12/03/2021 11:21 daidoanket.vn

Với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cơ hội để trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày của Việt Nam đến với nhiều thị trường trên thế giới càng lớn hơn.

Da giày là một trong những ngành hàng có nhiều cơ hội vào thị trường Bắc Âu.
Da giày là một trong những ngành hàng có nhiều cơ hội vào thị trường Bắc Âu.

Thị trường Bắc Âu giàu tiềm năng

Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho biết, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực Bắc Âu. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành suốt hơn một năm qua, song kim ngạch thương mại hai chiều giảm không đáng kể, thậm chí còn tăng trong thời gian dịch bệnh, điều này cho thấy tiềm năng, cơ hội để hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu là rất lớn.

Hơn thế, CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP đã và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Việt Nam về cả thương mại và đầu tư. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời gian tới, các nước Bắc Âu tiếp tục tập trung nguồn lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch, và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ dự kiến tăng mạnh sau một thời gian dài bị kìm hãm. Nhiều dự báo cho thấy xuất nhập khẩu trung bình năm 2021 của các nước Bắc Âu sẽ tăng khoảng 5%, riêng Iceland tăng khoảng 17%.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra đã làm cho các nước nhận ra rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, sự phụ thuộc về nguồn cung các sản phẩm, thiết bị thiết yếu vào một số thị trường nhất định có thể đem lại rủi ro lớn. Bởi vậy, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và chuỗi cung ứng đang được coi là chìa khóa để quản lý rủi ro trong trường hợp xảy ra bất ổn kinh tế, chính trị cũng như thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, việc xuất hiện làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang một số địa điểm khác, trong đó có Việt Nam cũng sẽ là cơ hội giúp Việt Nam thu hút đầu tư và mở rộng cơ hội thị trường, trong đó có khu vực Bắc Âu.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Điển Phan Đăng Đương, trong bối cảnh các nước EU đang tích cực triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19, tình hình dịch bệnh được kỳ vọng sẽ được kiểm soát, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế có bước hồi phục, giao thương trở lại bình thường sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào thị trường Bắc Âu.

Cơ hội giao thương rộng mở

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, trong năm 2021, sẽ triển khai việc áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại online để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước, trong đó việc đưa vào vận hành một trang web tiếng Anh là một trong những giải pháp để tạo thuận lợi cho loạt hoạt động này.

Ngày 8/3/2021 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Đương đã khai trương trang web tiếng Anh của Thương vụ.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu cho biết, trang web sẽ có mục đích chủ yếu là thông tin cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, những cơ hội do EVFTA mang lại; cơ sở dữ liệu DN Việt Nam sắp xếp theo ngành hàng để doanh nghiệp Bắc Âu dễ dàng tra cứu. Đáng chú ý nữa, trang web sẽ là nơi quảng bá hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.

Theo bà Thúy, trong nền kinh tế thị trường, khi nhận thức được những lợi ích của EVFTA, các doanh nghiệp EU và Bắc Âu sẽ tìm đến Việt Nam nếu nhập khẩu hàng Việt Nam có lợi hơn nhập hàng các nước khác. “Trước mắt, trang web tập trung quảng bá cho 6 ngành hàng là trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA. Trong tương lai sẽ mở rộng sang các mặt hàng khác khi có cơ hội” - bà Thúy nhấn mạnh.

Về lâu dài, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển muốn phát triển trang web thành nơi giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam và khu vực Bắc Âu. Theo bà Thúy, định hướng là sẽ tăng cường các hình thức giao thương online thông qua trang web. Đây được coi là giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến còn diễn biến phức tạp, đồng thời tạo đà cho những hoạt động hiệu quả hơn sẽ được triển khai trong giai đoạn hậu Covid-19.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xúc tiến thương mại online, Đại sứ Phan Đăng Đương chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở châu Âu, mọi hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, giao thương bị xáo trộn, đứt gãy, việc nhanh chóng thích nghi với điều kiện bình thường mới, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các doanh nghiệp trong nước với thị trường tiềm năng này có ý nghĩa rất quan trọng. Với các trang web tiếng Việt và tiếng Anh được xây dựng trong thời gian gần đây, việc truy cập các nguồn thông tin phong phú về thị trường Bắc Âu đã có nhiều thuận lợi, giúp các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.

“Và như vậy, cơ hội cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu thời gian tới là không hề nhỏ” - ông Đương nói.