Mạo danh nhân viên Bảo hiểm xã hội để lừa đảo: Đề cao cảnh giác

24/08/2022 06:00 daidoanket.vn
Người dân cần đề cao cảnh giác trước tin nhắn mạo danh cơ quan BHXH. Ảnh: BHXH TPHCM
Người dân cần đề cao cảnh giác trước tin nhắn mạo danh cơ quan BHXH. Ảnh: BHXH TPHCM

Mất tiền vì lên mạng xã hội để làm BHXH

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh đã nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc lừa đảo nhận chế độ thai sản thông qua mạng xã hội Facebook. Cụ thể, do chưa hiểu rõ về chế độ thai sản của BHXH nên dù đã nghỉ việc hơn 1 năm mới mang thai, sinh con, nhưng chị T. (trú huyện Cần Giờ) vẫn nghĩ rằng mình sẽ được nhận tiền trợ cấp thai sản.

Chị T. đã tới cơ quan BHXH huyện Cần Giờ để hỏi về khoản tiền trợ cấp thai sản và được chuyên viên BHXH huyện giải thích rằng trường hợp của chị không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật. Thế nhưng chị T. vẫn muốn tìm cách lách luật để được hưởng quyền lợi.

Qua tìm hiểu, chị T. tìm thấy trang Facebook Bảo hiểm Việt Nam có giới thiệu các dịch vụ như: Làm lại sổ BHXH, Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn… Vì vậy, chị T. đã liên hệ trang này để được tư vấn, hỗ trợ.

Sau khi liên lạc, chị T. được một tài khoản Zalo có tên Lương Uyên kết bạn và tự giới thiệu là “chuyên viên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam”. Người này yêu cầu chị T. cung cấp thông tin cá nhân, chụp hình căn cước công dân và tài khoản ngân hàng. Người này cho biết, tiền chế độ thai sản mà chị T. được nhận là 17.706.000 đồng nhưng không được chi trả một lần mà phải chia thành 5 lần.

Mỗi lần giải ngân, người này yêu cầu chị T. phải chuyển khoản 820.000 đồng, được gọi là phí giải quyết hồ sơ. Như vậy, tổng số tiền “lệ phí” chị T. phải đóng là 4.100.000 đồng. Để tăng thêm độ tin cậy, chuyên viên BHXH giả mạo còn dùng thông tin cá nhân của chị T., lập một danh sách chi tiền cho chị T. có đóng dấu mộc đỏ, chụp hình gửi qua khiến chị T. hoàn toàn bị thuyết phục và quyết định chuyển tiền.

Khi đã chuyển tiền “lệ phí” cho lần giải ngân thứ nhất qua ứng dụng Banking, khoảng 10 phút sau chị T. nhận được tin nhắn yêu cầu kiểm tra lại thông tin cá nhân để chuyên viên đó chuyển tiền giải ngân vào tài khoản cho chị. Xác nhận các thông tin đã đúng, chuyên viên BHXH giả mạo tiếp tục yêu cầu chị T. chuyển thêm vào tài khoản 4 lần số tiền 820.000 đồng để được nhận đủ toàn bộ số tiền ngay trong ngày. Thấy khả nghi nên chị T. tìm đến cơ quan BHXH huyện Cần Giờ nhờ tư vấn và biết mình đã bị lừa. Sau đó, đối tượng lừa đảo cũng đã xóa tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Được biết, hiện vẫn còn rất nhiều tài khoản mạng xã hội lừa đảo có nội dung tương tự thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người lao động. Chiêu trò của các đối tượng lừa đảo là sử dụng ngôn ngữ, cách giải thích đánh trúng vào tâm lý của người lao động như “quá hạn”, “trước hạn”, “trường hợp đặc biệt”, “lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm đơn”… khiến cho người lao động tin tưởng nhưng lại thấy khó quá mà chấp nhận “làm dịch vụ”.

Trước vụ việc trên, BHXH TP Hồ Chí Minh cảnh báo, hiện nay cơ quan BHXH không triển khai bất kỳ hình thức giải quyết thanh toán chi trả các chế độ BHXH qua các trang mạng xã hội cho người dân, việc một số đối tượng tự xưng là người của cơ quan BHXH để giải quyết chuyển tiền giải ngân qua các trang mạng xã hội như messenger, zalo, viber... cho người dân là lừa đảo.

Người dân cần nâng cao cảnh giác khi vào các trang mạng xã hội giả cơ quan BHXH, và cá nhân tự xưng là người của cơ quan BHXH. Tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, qua zalo, viber, hoặc messenger. Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi tin nhắn như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo trực tiếp đến cơ quan BHXH gần nhất trên địa bàn Thành phố hoặc số hotline của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.