Mạo danh cơ quan bảo hiểm để lừa đảo: Thủ đoạn ngày càng tinh vi

07/11/2021 07:54 daidoanket.vn

 

Mạo danh cơ quan bảo hiểm để lừa đảo: Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Cần cảnh giác với tin nhắn mạo danh của các đối tượng lừa đảo. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Lừa đảo để trục lợi

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP dành cho người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) triển khai đến hết thời hạn là tháng 12/2021.

Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý người dân muốn sớm nhận được tiền trợ cấp, gần đây đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng mạo danh cơ quan Bảo hiểm Xã hội nhắn tin cho người lao động để thông báo việc nhận tiền, từ đó để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chị B.T.Linh (Công ty SeaBig Việt, Hà Nội) suýt là nạn nhân của trò lừa đảo mới này. Chị Linh cho biết, do giãn cách xã hội, công ty dừng hoạt động, chị cùng các nhân viên khác nghỉ tránh dịch 2 tháng. Sau giãn cách, công ty cũng hoạt động cầm chừng nên đời sống của các nhân viên gặp không ít khó khăn.

Bỗng một ngày gần đây, có tin nhắn từ số máy lạ báo chị chưa nhận được tiền trợ cấp Covid-19 nên chị Linh khấp khởi vui mừng vì nghĩ sẽ nhận được tiền hỗ trợ để giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này.

Do từ trước đã khai hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và tin nhắn hướng dẫn nếu không làm nhanh sẽ hết hạn, không được nhận nên chị Linh tin tưởng, rồi vội vàng làm theo hướng dẫn.

Khi nhập theo hướng dẫn, thì đường link đó yêu cầu các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng. Giật mình nhớ lại, chị vội hỏi cán bộ phụ trách tiền lương bảo hiểm thì mới biết đó là một trò lừa đảo mới.

“Cũng may tôi còn hỏi lại, chứ ham tiền làm theo hướng dẫn từ tin nhắn và đường link lạ kia thì chắc số tiền ít ỏi trong tài khoản đã bốc hơi rồi. Mọi người nên cảnh giác hơn để tránh tiền mất, tật mang” - chị Linh bày tỏ.

Tin nhắn mạo danh cơ quan BHXH của các đối tượng nhắn cho người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tin nhắn mạo danh cơ quan Bảo hiểm Xã hội của các đối tượng nhắn cho người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Không chỉ mạo danh cơ quan bảo hiểm nhắn tin để trục lợi, các hình thức tội phạm mạo danh cơ quan bảo hiểm để lừa đảo rất tinh vi, đa dạng khiến người dân không kịp đề phòng.

Anh L.T.Minh (trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, do sức khỏe yếu nên anh thường xuyên phải vào viện điều trị và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để thanh toán các chi phí.

Bỗng một hôm, anh Minh nhận được một cuộc điện thoại từ đầu số 0555… thông báo về việc anh Minh đi chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế, nhưng chưa thanh toán tiền khám, chữa bệnh với số tiền hàng chục triệu đồng. Hốt hoảng, anh hỏi lại đầu dây bên kia xem có nhầm lẫn không thì được đầu dây bên kia yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để kiểm tra, xác minh lại.

Sau vài phút, số máy 0555… gọi lại khẳng định là đúng người, đúng địa chỉ đồng thời yêu cầu anh Minh nộp tiền thanh toán vào tài khoản của họ cung cấp.

Không có sẵn tiền trong tài khoản nên anh Minh đã khất một vài hôm để chuẩn bị tiền thì đối tượng dọa không thanh toán nhanh sẽ chuyển sang cơ quan công an xử lý.

Sau đó, vô tình lên mạng đọc được cảnh báo của các cơ quan chức năng cảnh báo về các thủ đoạn, loại hình tội phạm mới qua điện thoại anh mới “hú vía” biết mình bị lừa, suýt bị “sập bẫy”.

Cần nâng cao cảnh giác

Về tình trạng trên, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, gần đây trên địa bàn thành phố có tình trạng một số đối tượng mạo danh là cơ quan Bảo hiểm Xã hội nhắn tin cho người lao động để thông báo việc nhận tiền trợ cấp do bị ảnh hưởng dịch Covid -19.

Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, một số đối tượng lợi dụng sơ hở để nhắn tin cho người lao động với nội dung: “Ban chua nhan duoc tr0 cap C0VID-19, vui long dang nhap shorturl.at/frFHU de lay, qua han se kh0ng duoc chap nhan”.

BHXH thành phố Hà Nội cảnh báo tình trạng mạo danh để lừa đảo.
Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cảnh báo tình trạng mạo danh để lừa đảo.

“Tin nhắn trên là lừa đảo. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội không gửi tin nhắn có dòng chữ “chưa nhận được” không có tin nhắn chữ “o” thay bằng số “0” - Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội khẳng định.

Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cảnh báo người lao động trong tin nhắn phải có chữ “BHXHVN, BHXH_HANOI…” là từ khóa đã được đăng ký với tổng đài.

Người lao động cần nâng cao cảnh giác, thời gian nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là đến ngày 31/12/2021. Vì vậy, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào nếu không có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản.

Nếu cần tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chỉ cần vào website Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội và thực hiện theo hướng dẫn trên đó.

Về thủ đoạn đối tượng xấu mạo danh cơ quan bảo hiểm gọi điện để lừa người dân, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, cơ quan này đã nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được các cuộc điện thoại của người lạ có các đầu số: 0555..., 8009... tự xưng là người của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Theo đó, các đối tượng này thông báo cho người dân việc họ đã đi khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế nhưng chưa thanh toán tiền khám chữa bệnh, hoặc thông báo người dân đã trục lợi tiền khám chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin về nhân thân và nộp một khoản tiền để thanh toán chi phí đã khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, hoặc hoàn trả tiền đã trục lợi từ quỹ Bảo hiểm y tế.

Nếu không, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ báo công an vào cuộc điều tra, trừ tiền có trong tài khoản ngân hàng của người dân, cắt quyền sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế của người dân.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra cảnh báo, việc đối tượng tự xưng là người của cơ quan Bảo hiểm Xã hội gọi điện cho người dân để thông báo các nội dung trên là lừa đảo.

Người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại lạ, tự xưng là người của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số đường dây nóng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, sẽ tập hợp các số điện thoại tự nhận là người của cơ quan Bảo hiểm Xã hội có hành vi lừa đảo nêu trên theo phản ánh của người dân để chuyển Bộ Công an và đề nghị Bộ Công an phối hợp vào cuộc điều tra, xử lý.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trách nhiệm hữu hạn TGS, hành vi lừa đảo qua điện thoại là thủ đoạn không mới.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhóm đối tượng này đã thực hiện nhiều hành vi bằng các chiêu trò biến tướng, tinh vi.

Hành vi giả danh Cơ quan Bảo hiểm Xã hội gọi điện, nhắn tin để lừa đảo người dân thông qua các chiêu thức về việc hưởng khoản trợ cấp là một trong những hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân.

Luật sư Tuấn cũng khuyến cáo, người lao động cần nâng cao cảnh giác vì thời gian nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là đến ngày 31/12/2021.

Vì vậy, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản.

Nếu cần tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chỉ cần vào website Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội để tra cứu.    

Mạo danh cơ quan bảo hiểm để lừa đảo: Thủ đoạn ngày càng tinh vi - Ảnh 1

Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo, giảng viên bộ môn tội phạm học (Trường Đại học Luật Hà Nội): Tội phạm đánh vào tâm lý người dân

Hai hành vi mạo danh cơ quan Bảo hiểm Xã hội để gọi điện, nhắn tin cho người dân như trên có bản chất lừa đảo qua mạng điện thoại.

Thông thường các đối tượng tội phạm bám sát dòng chảy của thời sự xã hội, lợi dụng các chính sách áp dụng trong từng giai đoạn để có hình thức lừa đảo phù hợp, đánh trúng vào tâm lý của người dân.

Lợi dụng vào lúc dịch Covid, người dân rất cần hỗ trợ, vì rất cần nên thiếu sự cẩn trọng, họ lại tự rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo nhanh hơn. Nếu người dân không nắm được loại hình lừa đảo này, thì sẽ có nhiều người mắc bẫy.

Mặt khác, trong giai đoạn này, người dân có thói quen đang sử dụng công nghệ, thanh toán qua mạng, điện thoại có rất nhiều tiện ích, chính vì vậy tội phạm lợi dụng vào đó để dễ bề lừa đảo.

Bản chất của hành vi trên là hành vi lừa đảo, hành vi này quy định rất rõ trong Bộ luật Hình sự. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả gây ra có thể bị xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cái chúng ta cần phòng ngừa là vấn đề tuyên truyền cho người dân hiểu các loại hình tội phạm.

Đối với nhà mạng, các nhà mạng phải phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện các thông tin kiểu như vậy, phối hợp thật nhanh để tránh mất dấu vết.

Nếu các nhà mạng chưa có cơ chế kiểm soát được các loại tin nhắn, cuộc điện thoại rác thì các nhà mạng phải có cơ chế kiểm soát việc này.

Nếu người dân nâng cao cảnh giác, cơ quan chức năng phối hợp vào cuộc kịp thời thì loại hình tội phạm mạo danh cơ quan Bảo hiểm Xã hội để lừa đảo sẽ nhanh chóng hết “đất diễn”.

Mạo danh cơ quan bảo hiểm để lừa đảo: Thủ đoạn ngày càng tinh vi - Ảnh 2

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an): Tìm hiểu kỹ quy trình làm việc của Bảo hiểm Xã hội​ để tránh mắc lừa

Có 2 thủ đoạn phổ biến là mạo danh các chương trình của Bảo hiểm Xã hội như trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp trong đại dịch.

Với thủ đoạn này, các đối tượng đề nghị người dân truy cập vào các đường link do các đối tượng gửi. Những đường link này là các trang giả mạo có giao diện rất giống với trang chính thức của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Khi truy cập vào, người dân thực hiện các thao tác để đăng nhập thông tin tài khoản sẽ bị đối tượng yêu cầu đăng nhập tài khoản, mật khẩu, mã OTP sau đó đối tượng sẽ chiếm đoạt tài khoản và thực hiện các giao dịch để chuyển tiền ra khỏi tài khoản của khách hàng.

Thủ đoạn thứ hai, đối tượng lấy lý do là nạn nhân nợ tiền bảo hiểm, thực hiện các dịch vụ y tế chưa thanh toán.

Nếu không thanh toán sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự, đánh vào sự sợ hãi của người dân. Khi mà người dân đã sợ rồi thì các đối tượng sẽ mạo danh là các cơ quan bảo vệ pháp luật để dọa và cuối cùng là thực hiện theo yêu cầu của chúng.

Để phòng ngừa, trước hết người dân phải hiểu được quy trình làm việc của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Không có chuyện cơ quan bảo hiểm nhắn tin, gọi điện cho người dân khai báo hồ sơ xin trợ cấp kiểu như vậy. Mọi thông tin về Bảo hiểm Xã hội đều niêm yết trên trang thông tin công khai trên trang chính thức của Bảo hiểm Xã hội.

Với trường hợp mạo danh cơ quan bảo hiểm để đe dọa, tống tiền, chúng ta phải hiểu là không có chuyện cơ quan điều tra gọi điện đến yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

Cũng không có chuyện cơ quan bảo vệ pháp luật gọi điện, trao đổi công việc qua điện thoại, nếu làm việc sẽ có giấy mời, mời đến trụ sở để làm việc. Việc đó người dân cần nắm được và thường xuyên cập nhật các thông tin về an ninh trật tự để biết những thủ đoạn của tội phạm để có ý thức cảnh giác, phòng ngừa.