Mạnh tay với 'tín dụng đen'

19/08/2022 06:00 daidoanket.vn

Lập băng nhóm cho vay nặng lãi

Khi dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minhvừa giảm nhiệt, bước vào giai đoạn bình thường mới cũng là lúc đối tượng Trương Ngọc Tính (sinh năm 1991, ngụ tại quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) lôi kéo một số thanh niên không có việc làm, lập băng nhóm tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng.

Nhận thấy sau dịch, nhiều công nhân, người lao động thất nghiệp, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm, Tính đã phân công “đàn em” tổ chức phát tờ rơi, đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo…) cho vay linh hoạt với thủ tục rất đơn giản.

Theo một cán bộ ban chuyên án thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh, người có nhu cầu vay tiền từ nhóm này chỉ cần chụp căn cước công dân, chứng minh nhân dân (còn hạn sử dụng) hoặc các giấy tờ khác đã có thể vay được một khoản tiền dưới 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi các nạn nhân dính bẫy “tín dụng đen” sẽ bị nhóm này yêu cầu trả mức lãi suất cắt cổ lên tới 30-40%/tháng.

Nhiều nạn nhân là công nhân, người lao động từ các tỉnh lẻ như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước,…vừa chân ướt chân ráo đến thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm đã trở thành con mồi của băng nhóm “tín dụng đen” này.

Khi đến hạn không trả được tiền hoặc muốn bỏ trốn, các đối tượng sẽ in tờ rơi có nội dung xuyên tạc, khủng bố rãi khắp nơi làm việc, nơi ở của các nạn nhân, thậm chí khủng bố tin nhắn tới bạn bè và người thân của người vay tiền.

Tính đến thời điểm giữa tháng 6/2022, ban chuyên án thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh khi tổ chức triệt phá đường dây tín dụng đen, đã ghi nhận được hàng nghìn nạn nhân của băng nhóm cho vay nặng lãi do Trương Ngọc Tính cầm đầu.

Mới đây nhất, từ lời khai của các nhân chứng và nạn nhân, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khám xét nhiều tụ điểm hoạt động của băng nhóm tín dụng đen, bắt 9 đối tượng và thu giữ thêm nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan.

Không chỉ lựa chọn các khu vực vùng ven, hòng qua mặt cơ quan chức năng, các nhóm đối tượng hoạt động cho vay “tín dụng đen” cũng tận dụng triệt để không gian mạng xã hội, các diễn đàn để đăng thông tin “hấp dẫn” về hình thức thủ tục, giấy tờ cá nhân đơn giản đã có thể vay được một khoản tiền lớn để chi tiêu, sinh hoạt.

Điển hình là vụ việc vừa được Công an quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến nhóm đối tượng chuyên hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê.

Nhóm này do Bùi Văn Vương (30 tuổi) cầm đầu, tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi qua app và các trang mạng xã hội.

Đặc điểm hoạt động của nhóm cho vay “tín dụng đen” này hết sức manh động, có các biểu hiện đòi nợ “khủng bố” gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.

Theo Công an quận Bình Tân, từ chỉ đạo của Vương, các “đàn em” thân tín thu thập hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay trên tài khoản mạng xã hội. Khi nạn nhân không có khả năng trả nợ, các đối tượng sẵn sàng sử dụng trái phép các hình ảnh, thông tin cá nhân này để “khủng bố” tinh thần người vay.

Đáng chú ý, nhiều người thân, bạn bè của nạn nhân cũng bị gọi điện, nhắn tin quấy nhiễu, đe dọa, thậm chí tạt chất bẩn vào nhà con nợ.

Cũng theo Công an quận Bình Tân, nhờ thủ đoạn tinh vi và các hành vi mạnh động, côn đồ kể trên, Bùi Văn Vương cùng 30 đối tượng tham gia trong băng nhóm cho vay lãi nặng đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng để tiêu xài cá nhân.

Công an làm việc với một đối tượng cầm đầu đường dây tín dụng đen tại quận Bình Thạnh, TPHCM.

Công an làm việc với một đối tượng cầm đầu đường dây tín dụng đen tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Truy quét tận gốc

“Tín dụng đen” nổi lên như một tệ nạn gây nhức nhối dư luận.

Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều tổ chuyên án để truy quét tận gốc tệ nạn này và đòi nợ theo hình thức “khủng bố” diễn ra tại nhiều địa bàn quận, huyện vùng ven.

Điều đáng lên án, nhiều người dân không có liên quan đến hoạt động vay tiền bên ngoài cũng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của tội phạm “tín dụng đen”.

Mới đây, gia đình anh L.T.N (31 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đã trình báo công an về sự việc, bị một nhóm người lạ mặt chở nhau trên hai xe máy dừng tại con hẻm trước nhà tại phường 10, quận Tân Bình và có hành vi tạt sơn vào nhà.

Toàn bộ diễn biến vụ việc đã được camera an ninh nhà anh L.T.N ghi lại.

Một trường hợp khác tại huyện Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh) cũng phản ánh tình trạng tương tự khi nhiều ngày bị các nhóm thanh niên lạ mặt tạt sơn vào nhà, gây hư hỏng vật dụng, nhưng nghiêm trọng nhất là sự ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của trẻ nhỏ và người già trong gia đình của nạn nhân.

Trước tình trạng này, đại diện Sở Thông tin Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã có khuyến cáo những người dân không phải là người liên quan đến “tín dụng đen” nhưng bị quấy rối, đe dọa cần cung cấp thông tin sớm đến cơ quan công an gần nhất, trong đó chủ động lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ để các cơ quan chuyên môn phối hợp xử lý nghiêm minh.

Lãnh đạo Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua triệt phá từ giai đoạn dịch Covid-19 cho đến nay đã xử lý gần 350 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa hoặc có hành vi khủng bố tinh thần liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 120 vụ việc có liên quan đến tín dụng đen, trong đó Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố 45 vụ án với 65 bị can liên quan hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê.

Chỉ trong thời gian ngắn cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 10 vụ với hàng chục bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Ngoài ra, hiện nay công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp điều tra, xác minh đối với 49 vụ việc hoạt động “tín dụng đen” với nhiều tính chất, mức độ.

Ngoài xử lý theo quy định pháp luật hiện hành, Ùy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Công an kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các hành vi về cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, vốn đang là các tệ nạn, hành vi gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân thành phố.

Mặt trận giám sát “tín dụng đen”

Tại Hội nghị chuyên đề bàn giải pháp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen và lừa đảo trên mạng” do Ủy ban Mặt trận tổ quốc quận 8, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Mặt trận và công an sẽ phối hợp chặt chẽ từ khâu tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân tới hoạt động tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, điều tra, xác minh, triệt phá các băng nhóm “tín dụng đen” ngay tại cơ sở, nhất là các “điểm đen” khu dân cư về an ninh trật tự.

Đây được coi là mô hình, giải pháp sẽ hạn chế hiệu quả tình trạng cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê có chiều hướng gia tăng từ đầu năm đến nay.

120 vụ việc “tín dụng đen” bị xử lý

Lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 120 vụ việc có liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố 45 vụ án với 65 bị can liên quan hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê.

Chỉ trong thời gian ngắn cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 10 vụ với hàng chục bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Ngoài ra, hiện nay công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp điều tra, xác minh đối với 49 vụ việc hoạt động “tín dụng đen” với nhiều tính chất, mức độ.