Lợi thế nào cho AVASport khi bước chân vào thị trường 8.000 tỷ?

20/01/2022 10:12 toquoc.vn

Dư địa thị trường lớn

Theo báo cáo từ Allied Market Research, thị trường quần áo thể thao toàn cầu có quy mô 167,7 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo sẽ tăng lên 258 tỷ USD vào năm 2026. So với các mảng kinh doanh khác cùng ngành, thị trường đồ thể thao được coi là một "mỏ vàng". Thực tế, theo Statista, thị trường quần áo thể thao đã cho thấy tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,5% trong 5 năm qua, gấp rưỡi thị trường quần áo đơn thuần. Trong đó, thị phần của mặt hàng này tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang tăng lên đáng kể do dân số và thu nhập khả dụng của khách hàng ngày càng tăng.

 

Đặc biệt, bất chấp những thách thức, đồ thể thao dường như vẫn là một danh mục hàng hóa có khả năng chống chịu tốt trước COVID-19. Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe thì các mặt hàng thể thao lại có lợi thế phát triển và tăng trưởng khả quan.

Tại Việt Nam, quy mô thị trường dự báo lên tới 8.000 tỷ đồng. Ngoài 2 cái tên lớn nhất trong mảng thể thao thế giới đang nắm giữ 40%, phần còn lại vẫn thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều năm nay, các hãng sản xuất đồ thể thao lớn của thế giới đã thâm nhập thị trường Việt Nam để bán tại chỗ song gặp rào cản thiếu nhà phân phối độc quyền hoặc địa bàn đặt nhà máy sản xuất. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho những người chơi mới như Thế Giới Di Động.

Cơ hội cho AVASport

Theo Thế Giới Di Động, sẽ kinh doanh các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Puma, Skechers... với nhóm sản phẩm chính gồm giày, dép, quần áo, xe đạp… Ngoài ra, còn có phụ kiện đi kèm phục vụ mọi nhu cầu thể thao như ba lô, nón, bình nước, thảm tập...

Mỗi shop có diện tích khoảng 200m2 với danh mục hàng hóa lên đến 1.000 - 1.700 theo chia sẻ của nhà bán lẻ. Khác với mô hình cửa hàng thuộc các thương hiệu lớn chỉ bán chuyên biệt sản phẩm của hãng, cửa hàng AVASport sẽ là nơi tập hợp tất cả thương hiệu lại với nhau, trong đó chọn lọc ra những sản phẩm bán chạy và được ưa chuộng nhất.

 

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh cho rằng tập đoàn đang có nhiều lợi thế rất lớn về con người, đó là đội ngũ trẻ, lăn xả và hệ thống quản trị, nguồn lực tài chính,... đặc biệt là những kiến thức về bán lẻ, được thử lửa gần 20 năm qua.

"Có thể từng nhóm sản phẩm mang đặc thù riêng, song về bán lẻ thì không ai qua được Thế Giới Di Động. Cốt lõi của công ty là bán lẻ. Do đó, chúng tôi tự tin những thế mạnh đó sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển chuỗi cửa hàng mới", ông Hiểu Em nói thêm.

 

Thực tế, với 5.000 cửa hàng hiện hữu trên toàn quốc, Thế Giới Di Động hiện đang là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam xét trên cả quy mô cửa hàng lẫn doanh thu. Do đó, doanh nghiệp này thực sự có nhiều tiềm năng để trở thành ông lớn phân phối uỷ quyền sản phẩm đồ thể thao của các nhãn hàng tại Việt Nam - tương tự những gì đã làm trong mảng phân phối điện thoại, điện máy bằng cách bắt tay với những thương hiệu lớn trong ngành.

Không những thế, với kinh nghiệm từng triển khai các chuỗi mới trong thời gian gần đây như bách hoá, đồng hồ, xe đạp... và đã tạo được kết quả tích cực, rõ ràng việc Thế Giới Di Động tự tin tham chiến trong sân chơi đồ thể thao tại Việt Nam lần này là hoàn toàn có cơ sở.