Lợi suất tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu chao đảo trước những gói kích thích chưa từng có

25/02/2021 06:23 toquoc.vn

Chỉ số Bloomberg Barclays Multiverse theo dõi lượng trái phiếu trị giá 70 nghìn tỷ USD đã giảm 1,9% kể từ cuối năm ngoái, trong cả 2 khoản lợi nhuận từ thay đổi giá và lãi suất coupon. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, đây sẽ là thành tích theo quý tồi tệ nhất kể từ giữa năm 2018 và ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong quý lần đầu tiên đối với chỉ số này trong 6 năm.

Sự đảo ngược của thị trường trái phiếu bắt đầu "nóng" hơn vào giữa tháng 1, khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện và đưa ra triển vọng về gói kích thích lớn hơn. Tuy nhiên, đà bán tháo lại tăng tốc và diễn ra ở quy mô lớn hơn trong những tuần gần đây.

Hầu hết diễn biến tiêu cực xảy ra với trái phiếu kỳ hạn dài nhưng lợi suất thấp, đặc biệt dễ chịu ảnh hưởng bởi lạm phát. Theo chỉ số theo dõi trái phiếu Mỹ của Bloomberg Barclays, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đã giảm hơn 9% trong năm nay.

Lợi suất tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu chao đảo trước những gói kích thích chưa từng có  - Ảnh 1.

Tỷ suất lợi nhuận của Bloomberg Barclays Multiverse Index tính đến ngày 22/2.

Ed Yardeni – nhà sáng lập Yardeni Research, nhận định: "Cuối cùng, chúng ta lại chuẩn bị chứng kiến lạm phát. Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều dấu hiệu lạm phát đang gia tăng sau những biện pháp kích thích chưa từng có."

Mặt trái của việc giá trái phiếu sụt giảm là lợi suất tăng vọt trên khắp thế giới trong những tuần gần đây, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm tăng từ 0,9% từ đầu năm 2021 lên gần 1,4% vào ngày 23/2. Đây là mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 tác động đến thị trường cách đây 1 năm.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu 10 năm tại Australia vượt qua mức trước đại dịch, trái phiếu 10 năm của Nhật Bản cũng lần đầu tiên ở trên mức 0,1% kể từ năm 2018. Lợi suất trái phiếu Anh đang chuẩn bị ghi nhận đà tăng theo quý mạnh nhất kể từ năm 2013.

Xu hướng bán tháo trái phiếu đã bắt đầu lan rộng trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo đó, một số nhà phân tích đưa ra dự đoán về "cuộc chiến" giữa thị trường trái phiếu và những đợt chi tiêu mạnh tay của các chính phủ cùng ngân hàng trung ương.

Lợi suất tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu chao đảo trước những gói kích thích chưa từng có  - Ảnh 2.

Diễn biến lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm ở Mỹ, Đức, Anh và Australia.

Yardeni từng là một nhà phân tích trên Phố Wall, người đầu tiên nhắc đến cụm từ "tự kiểm trái phiếu" (bond vigilante) vào đầu những năm 80, miêu tả cách thị trường trái phiếu khiến các chính phủ và ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách. Theo ông, hiện tượng này có thể sẽ tái diễn.

Ông nói: "Đội tự kiểm trái phiếu dường như đang chuẩn bị và sẵn sàng ‘phục kích’ các nhà hoạch định chính sách trước bối cảnh lạm phát quay trở lại."

Các nhà phân tích cho rằng, lợi suất trái phiếu thấp chưa từng có là động lực chính cho đà bán tháo ở hiện tại và trở nên mạnh mẽ hơn kể từ cuối tháng 3/2020. Thị trường chứng khoán hiện cũng đang cho thấy những dấu hiệu chịu ảnh hưởng từ xu hướng này.

Thị trường chứng khoán khởi đầu năm 2021 với sự bùng nổ, nhưng chỉ số FTSE All-World lại giảm 2,5% kể từ mức đỉnh vào ngày 16/2. Nasdaq 100 hiện cũng giảm hơn 6% kể từ mức đỉnh vào tuần trước.

Gregory Peters – giám đốc quản lý quỹ tại PGIM Fixed Income, cho biết diễn biến này gợi nhớ đến "taper tantrum" (sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn). Hiện tượng này diễn ra khi Fed thông báo vào năm 2013 rằng sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Ông nhận định, lợi suất trái phiếu tăng sẽ trở thành nỗi kinh hoàng cho các thị trường khác.

Peters nghi ngại rằng tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu có thể đang bị cường điệu hoá, nhưng hiện tại, đó là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nên cảnh giác với việc đặt cược vào những rủi ro sắp xảy ra.

Thách thức hiện tại đó là các ngân hàng trung ương đã cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ ngay cả khi lạm phát tăng nhanh. Một số ngân hàng trung ương dường như cũng lo ngại về xu hướng hiện tại. Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã khởi động việc mua trái phiếu trong tuần này để làm hạ nhiệt tình trạng lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Chủ tịch ECB – Christine Lagarde, hôm thứ Hai cho biết các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi tình hình chặt chẽ.

Mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy triển vọng kinh tế đang được cải thiện. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong tương lai gần và cho rằng lạm phát thấp vẫn là mối nguy lớn hơn.

Tham khảo Financial Times