Lợi nhuận tại Coteccons thấp kỷ lục do chi phí tăng cao, “kho tiền mặt” giảm 53%

31/07/2021 17:56 congluan.vn
1

Kết quả kinh doanh tiếp tục tụt dốc

Coteccons vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu và lợi nhuận tụt dốc mạnh.

Cụ thể, riêng quý 2/2021, Coteccons ghi nhận 2.550 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 36% so với cùng kỳ.

Sau khi khấu trừ giá vốn, lãi gộp tại Coteccons giảm 45% xuống còn 134,7 tỷ đồng. Do đó, biên lãi gộp chỉ còn 5,3% trong khi cùng kỳ 2020 đạt 6,1%.

Tuy nhiên, nếu so với quý 1/2021 thì biên lãi gộp tại Coteccons đã cải thiện khá nhiều từ 4,7% lên 5,3%.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của Coteccons tăng tới 71% lên gần 122 tỷ đồng.

Trong đó chủ yếu do chi phí nhân viên tăng tới 74% bên cạnh khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đột biến.

Hơn nữa, doanh thu tài chính cũng giảm 23% xuống còn 47 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế tại Contecons giảm mạnh 71% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 45 tỷ đồng.

Đây cũng là mức lãi thấp nhất của Coteccons kể từ quý 2/2013 tới nay.

Thực tế, chi phí quản lý của Coteccons bắt đầu tăng mạnh từ quý 3/2020 sau khi nhân sự cấp cao của công ty liên tục xáo trộn.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tại Coteccons đạt 5.119 tỷ đồng và lãi sau thuế ghi nhận 99 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 65% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận giảm mạnh cũng do chi phí doanh nghiệp tăng mạnh.

2

Trong năm 2021, Coteccons lên kế hoạch 17.413 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 340 tỷ đồng lãi sau thuế.

So với kế hoạch này, Coteccons mới thực hiện được 29% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau nửa năm.

"Kho tiền mặt" giảm 53%

Bên cạnh kết quả kinh doanh thảm hại, tình hình tài chính tại Coteccons cũng ghi nhận nhiều biến động lớn.

Tính đến cuối quý 2/2021, quy mô tổng tài sản tại Contecons ghi nhận 13.576 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm.

Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 6.963 tỷ đồng, chiếm 51% tổng tài sản, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức 7.111 tỷ đồng, công ty cũng đã phải trích gần 511 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi; hàng tồn kho cũng ở mức 1.420 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá trị tiền và các khoản tương đương tiền tại Coteccons giảm 53% so với đầu năm, xuống còn 652 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi ngân hàng tăng gấp 3,3 lần so với đầu năm, lên mức hơn 572 tỷ đồng; các khoản tương đương tiền (gồm các khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mai có thời hạn gốc không quá 3 tháng và hưởng lãi suất tiền gửi có thể áp dụng) giảm mạnh 93% so với đầu năm, xuống còn 80 tỷ đồng.

Sau khoản đi vay gần 339 tỷ đồng đã được tất toán xuất hiện trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý 1 thì Coteccons không phát sinh thêm khoản vay nợ nào trong quý 2.

Được biết, tính đến thời điểm cuối quý 2/2021, cùng với dự án Ecopark Swan Lake Residences, Coteccons đã đón nhận “cơn mưa” dự án mới.

Đây là thông tin rất tích cực đối với Coteccons nói riêng và thị trường xây dựng trong nước nói chung, thể hiện sức tăng trưởng bền vững và nỗ lực của Ban điều hành mới Coteccons, trong khi mà diễn biến dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình kinh tế khu vực.

Đầu tháng 7/2021, Coteccons công bố thông tin thắng gói thầu thuộc dự án InterContinental Halong Bay Resort & Residences của chủ đầu tư Công ty Bất động sản BIM Land thuộc Tập đoàn BIM Group.

Tại phía Nam, sau hàng loạt các dự án ngàn tỷ làm nên tên tuổi cùng thương hiệu Hilton như Double Tree by Hilton Halong Bay, Hilton Hotel Saigon,… mới đây, Coteccons tiếp tục nhận gói thầu thi công cọc và tường vây của tổ hợp dịch vụ cao ốc văn phòng và khách sạn 5 sao Hilton Double Tree Vũng Tàu, được phát triển bởi chủ đầu tư Công ty Trách nhiệm hữu hạn OSC – Duxton (Việt Nam).

Tại đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án huy động tối đa 1.000 tỷ đồng nhằm mở rộng kinh doanh nhưng chưa công bố chi tiết thời gian phát hành.

Coteccons sẽ mở rộng sang lĩnh vực tổng thầu các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió; tận dụng thế mạnh trong mảng thi công nhà xưởng, mở rộng hợp tác mảng đầu tư khu công nghiệp.

Thanh Thư