Lên Shark Tank gọi vốn nhưng liệt kê tài sản công ty chồng, startup bị các shark cho rằng đang nhập nhằng về sở hữu, nguy cơ chuyển giá biến 'cá mập thành cá khô'

19/07/2022 13:00 toquoc.vn

Chị Nguyễn Ngọc Hương – Founder công ty cổ phần thực phẩm Quảng Thanh xuất hiện trên Shark Tank màu 5 trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam được thiết kế riêng với họa tiết rau má, phần nào thể hiện sản phẩm của công ty chị đó là rau má uống liền Orama với lời gọi vốn 5 tỷ cho 10% cổ phần.

Theo chị Hương, rau má là loại rau nhiều chất dinh dưỡng, uống rất mát nhưng công đoạn chế biến tốn nhiều thời gian và công sức chế biến, do đó năm 2015, chị Hương về Củ Chi mở trang trại trồng rau má. nghiên cứu quy trình trồng, ứng dụng công nghệ chế biến bột rau đã học từ người Nhật và người Ấn để tạo ra bột rau má dùng thay cho rau má tươi.

Qua 7 năm, Orama đạt được những chứng nhận như chứng nhận FDA của Hoa Kỳ, chứng nhận Haccp và ISO, CODEX của Châu Âu. Từ năm 2019, Orama đã bắt đầu phân phối ở châu Âu, bán mạnh nhất ở Anh, Đức, Hà Lan và hiện nay Orama đang phân phối sản phẩm này qua các kênh online và vào 2 hệ thống phân phối lớn đó là Satra và Co.op.

Hình ảnh sản phẩm Orama

Mỗi năm doanh thu tăng trưởng bình quân của Orama 20%, năm 2019 – 2020 đã tăng gấp 10 lần doanh số. Năm nay Orama đặt mục tiêu doanh số 15 tỷ, trong 3 năm tới sẽ đặt mục tiêu doanh số 25 tỷ, trở thành doanh nghiệp nông sản triệu đô.

Về thành phần sản phẩm, hiện tại trong một gói rau má Orama có tỷ trọng khoảng 75% đường, khoảng 3g bột rau tươi tương đương với ăn khoảng 30-40gr rau má tươi. Giá thành đến tay người tiêu dùng là 8.000đ/tuýp, giá vốn khoảng 45% là khoảng 3.000đ, giá xuất ra là 5.500, lãi ròng khoảng 20%.

Chị Hương cho biết tổng đầu tư là gần 20 tỷ, có sử dụng vốn vay, cơ cấu tài sản là máy móc cơ sở thiết bị khoảng 10 tỷ, 8 tỷ diện tích bất động sản, còn lại 2 tỷ là vốn lưu động. Orama có vùng nguyên liệu ở 2 nơi đó là Củ Chi – TpHCM, do Startup sở hữu và vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp với các nông hộ ở đó.

Tuy nhiên khi được Shark Phú hỏi về cơ cấu góp vốn, chị Hương cho biết hiện tại công ty có 3 cổ đông với vốn thực góp là 1 tỷ, trong đó chị Hương là cổ đông chính với 500 triệu, một cổ đông 75 triệu và một cổ đông 25 triệu.

Câu trả lời của chị Hương mâu thuẫn với khoản vốn 20 tỷ được kể ra bên trên, đối mặt với các shark liên tục chất vấn, chị Hương thừa nhận nguồn tiền này nằm ở một công ty khác chuyên về sản xuất, do chị và chồng mỗi người góp vốn một nửa. Công ty chồng chị chịu trách nhiệm cung ứng hàng hóa, còn công ty của chị phân phối và làm thương hiệu về hàng hóa. Và chị gọi vốn vào công ty phân phối của chị.

Các Shark đồng loạt cho rằng Startup không rõ ràng, Shark Phú cho rằng startup để lãi hết ở công ty sản xuất thì còn làm ăn gì, Shark Bình cho biết "Em chuyển giá về công ty sản xuất thì cá mập cũng thành cá khô ngay".

Đặc biệt là Shark Hưng khi cho rằng không những chuyển giá mà startup đang có dấu hiệu gây hiểu lầm, "Quan trọng là em phải thành thật. Em lên gọi vốn anh hỏi tài sản bao nhiêu em kể ra vanh vách, sở hữu đất đai, sở hữu nhà cửa, sở hữu nhà xưởng một hồi xong cuối cùng là vốn công ty em mới có 1 tỷ đồng, trong đó mới góp được 700 triệu."

"Anh nói luôn anh không đầu tư. Cơ cấu sở hữu loằng ngoằng, tài sản thực tế không có, là công ty thương mại thuần túy về phân phối trong khi nhà cung cấp chính và duy nhất lại là công ty của em với chồng em. Riêng việc nhập nhằng về vốn và chuyển giá là những thứ anh không thể kiểm soát nổi rồi. Anh đang nghĩ em sở hữu từ nguồn nguyên liệu, chế biến, sản xuất rồi ra được sản phẩm anh khâm phục quá, nhưng hóa ra lại có mỗi công ty phân phối", Shark Hưng thẳng thắn nhận xét.

Shark Bình cho startup lời khuyên "Với cơ cấu như thế thì em sẽ chẳng gọi được vốn từ ai đâu vì có nguy cơ chuyển giá và sự không minh bạch trong cơ cấu đầu vào đầu ra của doanh nghiệp, em mà muốn gọi vốn thành công em phải gộp lại gọi vào cả 2 công ty, chứ nếu em chỉ gọi vào 1 công ty này nếu định giá có rẻ bao nhiêu cũng chả ai đầu tư đâu".

Shark Liên cho biết startup chưa phân định được rõ ràng, nên bà không đầu tư.

Shark Linh cũng từ chối đầu tư vì bà cho rằng nếu đưa ra nước ngoài với 70% tỷ lệ là đường thì sẽ không ai mua. Bà đề xuất Startup nên xem lại cách làm ra sản phẩm chuẩn và thực sự tốt cho sức khỏe.

Shark Phú hỏi startup có đồng ý sáp nhập 2 công ty để đầu tư vào 1 công ty hay không. Chị Hương cho biết mình chưa sẵn sàng nên vẫn muốn các Shark đầu tư vào công ty phân phối. Vì vậy shark Phú quyết định không đầu tư.

Cùng quan điểm với các Shark, Shark Bình cũng không đầu tư vào công ty của Startup.