Làm sạch môi trường mua sắm trực tuyến

15/08/2022 06:00 daidoanket.vn

Gia tăng tình trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm trên môi trường trực tuyến.  

Gia tăng tình trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm trên môi trường trực tuyến.  

Người tiêu dùng chưa tự bảo vệ quyền lợi

Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, từ cách mua sắm truyền thống sang mua hàng trực tuyến.

Với cách thay đổi này, người tiêu dùng gặp nhiều thuận lợi hơn, tuy nhiên, không ít người tiêu dùng đã dính phải bẫy lừa khi đặt hàng một đằng, sản phẩm nhận được một nẻo.

Trường hợp chị Trần Yến Linh (ở phố Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ.

Chị Linh cho biết, khoảng hơn hai năm trở lại đây, từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chị đã dần tiếp cận với kênh mua sắm qua sàn thương mại điện tử.

Trên chiếc điện thoại thông minh của mình, chị cài đủ các loại app mua sắm online như Lazada, Shopee, Sendo...

“Tiện thì rất tiện, lại còn hay được khuyến mại, miễn phí vận chuyển, săn được hàng giảm giá sâu... Thế nhưng số lần tôi mua phải hàng kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” không hiếm. Đầu tháng 8 vừa qua, tôi có mua một cặp kính râm qua sàn thương mại điện tử, hình quảng cáo thì rõ là “nét” nhưng khi hàng đến tay thì mới cầm xem đã... bật mắt kính” – chị Linh nói và cho biết thêm, do món hàng có giá không lớn nên chị cũng không khiếu kiện gì nữa, vì sợ mất thời gian.

Chị Lê Thu Hà (phố Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết, vừa mua trên mạng một chiếc túi xách, nhìn hình shop chụp thì rất ưng nhưng khi nhận hàng thì chiếc túi chẳng khác gì món hàng mã.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, hàng “lởm” khi mua sắm qua kênh thương mại điện tử.

Điều đáng nói là với nhiều người, do giá trị sản phẩm không lớn nên họ không muốn khiếu nại vì nghĩ mất thời gian, mất công sức...

Thực tế, rất nhiều người tiêu dùng ngại khiếu kiện vì có khi chi phí khiếu kiện nhiều hơn so với số tiền mua sản phẩm, nên bỏ qua quyền lợi của mình.

Không chỉ vi phạm về tình trạng hàng kém chất lượng, thời gian qua, nhiều người tiêu dùng còn bị vi phạm quyền lợi qua nhiều hình thức như hủy đơn hàng, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại của bên bán, nhập nhằng giá... cũng có chiều hướng gia tăng.

Nói về nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngại tố cáo hành vi vi phạm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, thực tế người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, việc giải quyết một số khiếu nại không thành công là do người tiêu dùng không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại... từ đó càng tạo kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng.

Tạo môi trường kinh doanh minh bạch

Những bất cập nói trên tiếp tục gióng lên tiếng chuông về quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm một cách công khai, phổ biến.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù đã có hiệu lực thi hành từ năm 2011 nhưng dường như chưa phát huy được nhiều tác dụng.

Bản thân nhiều người tiêu dùng cũng chưa nắm rõ luật, chưa hiểu hết được các quyền lợi của mình, dẫn đến thái độ thờ ơ và không biết cách tự bảo vệ.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua Cục đã tiến hành nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng kết nối hệ thống Tổng đài Tư vấn, Hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tới nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức liên quan trên cả nước.

Nhờ đó việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều này đặt ra yêu cầu về việc xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để có thể giúp nâng cao quyền lợi cho người tiêu dùng, duy trì sự công bằng, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Giới chuyên gia kỳ vọng, với việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), thời gian tới, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng, giảm thiểu những bất công, thiệt thòi trong giao dịch mua bán, cùng với đó, uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất làm ăn chân chính cũng được nâng lên.

Song, bản thân người tiêu dùng cũng cần là những người tiêu dùng thông thái biết cách sử dụng, lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ, thông tin sản phẩm minh bạch,… từ đó góp phần loại bỏ những doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh không chân chính ra khỏi thị trường, tạo lập môi trường kinh doanh trong sạch, bền vững.