Lạm phát Mỹ nóng hơn dự kiến nhưng có thể không ảnh hưởng đến chính sách của FED

11/06/2021 12:38 toquoc.vn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ mùa hè năm 2008, khi giá dầu tăng chóng mặt.

Nếu không tính lương thực và năng lượng, CPI cơ bản tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất từ năm 1992. 1/3 mức tăng này tới từ giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng mạnh 7,3%.

Tuy nhiên, các quan chức  Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mô tả giai đoạn lạm phát cao hiện nay là nhất thời, có nghĩa nó chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn.  

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng dự báo giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới do nhu cầu bị dồn nén suốt thời gian dịch bệnh hoành hành cũng như sự chậm trễ của chuối cung ứng.

So sánh với quãng thời gian tồi tệ của năm ngoái, thời điểm nền kinh tế gần như bị tê liệt, cũng khiến mức tăng trở nên đột biến.

"Lạm phát tăng cao hơn dự kiến nhưng có vẻ nó vẫn được coi là tạm thời.

Đây cũng là lý do mà  Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đưa ra nhằm bảo vệ chính sách tiền tệ hiện hữu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ họp vào ngày 15 và 16/6.

Một số quan điểm trên thị trường nói rằng, nếu lạm phát trở nên nóng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể thay đổi lộ trình của họ với các chính sách tiền tệ lỏng lẻo đang được áp dụng nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Các nhà kinh tế dự báo, bước đầu tiên báo hiệu việc thắt chặt các chính sách tiền tệ sẽ là thảo luận công khai về cắt giảm số tiền 120 tỷ USD mỗi tháng được dùng để mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Còn được biết với cái tên "nới lỏng định lượng", Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mua lại trái phiếu để tạo thanh khoản và giữ lãi suất ở mức thấp.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu thảo luận về chương trình nới lỏng định lượng của mình, họ cũng cần thêm vài tháng nữa để giảm dần trước khi ngừng hẳn.

Sau đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mới bắt đầu tính đến khả năng tăng lãi suất, vốn đang được duy trì ở mức gần bằng 0.

Dẫu vậy, người ta dự báo việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất sẽ không xảy ra trước năm 2023.

Một số nhà kinh tế cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ lần đầu tiên nói về kế hoạch giảm mua trái phiếu tại Hội nghị Chuyên đề Kinh tế Jackson Hole, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 8.

Việc cắt giảm mua trái phiếu có thể được tiến hành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Tuy nhiên, không ít nhà kinh tế chia sẻ quan điểm lạm phát hiện nay ở Mỹ không phải dài hạn và họ đưa ra những lý do để chứng minh cho điều đó.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nói rằng: "Rất nhiều trong sự tăng giá vừa qua tới từ những mặt hàng đang được bình thường hóa.

Khách sạn, cho thuê ô tô và xe ô tô đã qua sử dụng, sự kiện thể thao, nhà hàng… đều đang trên đà trở lại sau khi bị tê liệt vì dịch".

Tuy nhiên, chính bản thân Zandi cũng nhận định rằng còn quá sớm để nói rằng lạm phát sẽ dai dẳng vượt ngoài dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

"Chưa ai biết chắc lạm phát sẽ hạ cánh ở đâu trên con đường bình thường hóa giá cả", Zandi nói.