Lãi suất ngân hàng đang tăng, liệu có đe dọa tới quá trình phục hồi kinh tế?

27/05/2022 11:00 congluan.vn

Lãi suất thấp kỷ lục trong năm 2021, người dân “ngại” gửi tiết kiệm

Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại hạ lãi suất điều hành, để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, phục hồi trở lại.

Nhờ đó, trong năm 2021, lãi suất cho vay của các ngân hàng chỉ loanh quanh trong khoảng 4,5% - 6%. Tương tự, lãi suất huy động cũng ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, dao động trong khoảng 4% - 5,5%.

lai suat ngan hang dang tang lieu co de doa toi qua trinh phuc hoi kinh te hinh 1

Lãi suất huy động ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến tiền gửi của người dân vào ngân hàng có thời điểm sụt giảm rất sâu.

Đơn cử, trong nửa đầu năm 2021, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng. Đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Bởi lẽ, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư vào các ngân hàng đạt khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm, cao gấp đôi so với cùng thời điểm của năm 2021.

Lãi suất đang tăng trở lại từ đầu năm 2022

Bước sang năm 2022, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng trở lại. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đến cuối tháng 4 vừa qua, mức lãi suất huy động trung bình của hệ thống các ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng tăng 0,14 điểm % so với cuối năm 2021, lên 4,9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng chỉ tăng 0,11 điểm %, lên 5,66%/năm.

Với những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, mức tăng trung bình cũng chỉ khoảng 0,23 điểm % cho các khoản tiền gửi 6 tháng. Tuy nhiên, một vài ngân hàng cũng đưa ra mức lãi tăng cao hơn, từ 0,3 - 0,8 điểm%, chủ yếu ở các kỳ hạn trên 12 tháng.

Tới cuối tháng 5/2022, các ngân hàng lại một lần nữa điều chỉnh tăng lãi suất. Trong đó, đáng lưu ý có Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố tặng đến 1,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.

Đối với tiền gửi tiết kiệm thông thường nhận lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm dao động từ 3,6-4%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng, lãi suất đến 5,5%/năm cho kỳ hạn dưới 9 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 9-12 tháng dao động từ 5,6-6,2%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng từ 6,2-6,6%/năm.

lai suat ngan hang dang tang lieu co de doa toi qua trinh phuc hoi kinh te hinh 2

Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất các kỳ hạn cao hơn tiền gửi tại quầy từ 0,1-0,2%/năm, lãi suất niêm yết cao nhất là 6,7%/năm.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng vừa được điều chỉnh tăng thêm 0,5%/năm lên mức 7,3%/năm, cao nhất toàn hệ thống đối với tiền gửi 12 tháng. Lãi suất này áp dụng cho cả 2 hình thức gửi tại quầy và online.

 

Chưa dừng ở đó, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tại SCB cũng thêm 0,15%/năm và kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,3%/năm. Đối với tiền gửi online. SCB cũng tăng 0,4%/năm cho lãi suất tiết kiệm 6 và 9 tháng, lên mức 6,85-7%/năm.

Lãnh đạo của một ngân hàng cho biết: Lãi suất huy động nhích tăng là do nhu cầu tín dụng tăng mạnh từ đầu năm và nhằm mục đích thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trở về với ngân hàng, chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định, giới chuyên gia nhận định mặt bằng lãi suất sẽ không xảy ra “cuộc đua”, thay vào đó là xu hướng đi ngang và chỉ nhích tăng nhẹ với một vài kỳ hạn.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính  ngân hàng nhận định: Lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử, do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như  bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

Lãi suất cho vay sẽ tăng, nhưng không tác động quá nhiều tới quá trình phục hồi kinh tế

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại trong nước đã rất cố gắng giảm lãi suất, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Chính vì lãi suất huy động trong năm qua rất thấp, nên người dân không hào hứng gửi tiền tiết kiệm, thay vào đó, dòng tiền lại “chảy” sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, tiền ảo, hoặc bất động sản. Như vậy, các ngân hàng sẽ thiếu hụt đi dòng tiền, đây là mối lo ngại lớn nhất của các ngân hàng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Vì thế, trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã có lợi nhuận trở lại, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Nhìn nhận thực tế, ông Thịnh cho biết, lãi suất huy động đã tăng, thời gian tới, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo để duy trì lợi nhuận cho các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước luôn mong muốn ổn định lãi suất, thậm chí khuyến khích các ngân hàng giảm thêm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhưng thực tế, từ đầu năm 2022 tới nay, lãi suất huy động đều tăng, và trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng, đây là chuyện sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Một số ý kiến cho rằng, việc mặt bằng lãi suất tăng trong bối cảnh này sẽ cản trở quá trình phục hồi kinh tế, nhất là lãi suất cho vay, thế nhưng ông Thịnh không đồng tình.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, việc lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới quá trình phục hồi kinh tế, vì mức tăng đang ở ngưỡng thấp, chỉ khoảng 0,5% - 1%.

Trong khi đó, trong chương trình phục hồi của Chính phủ, một số ngành nghề, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cho vay chỉ 2%. Như vậy, nhìn tổng thể, mặt bằng lãi suất dù có tăng vào cuối năm, cũng không đáng quan ngại.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng mong muốn, các ngân hàng thương mại nên cắt giảm lợi nhuận ở mức cần thiết, để đảm bảo lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.