Kinh tế Trung Quốc chỉ chịu tác động tối thiểu từ các lệnh trừng phạt đối với Nga

24/02/2022 06:28 congluan.vn

Sự công nhận của ông Putin đối với các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine diễn ra chỉ hơn hai tuần rưỡi sau cuộc gặp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào đầu tháng này.

Sự leo thang của cuộc khủng hoảng đã khiến các quốc gia phương Tây lên án nhanh chóng và đưa ra các lệnh trừng phạt ngay lập tức. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh hành pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh của Mỹ tại các khu vực ly khai và cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa từ các khu vực do phe ly khai do Nga hậu thuẫn.

Bà Anna Kireeva, phó giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow cho biết: “Tác động đối với hợp tác kinh tế Nga-Trung sẽ khá hạn chế, chủ yếu là do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty kinh doanh với Donetsk và Lugansk”.

“Trung Quốc đã làm ăn với các công ty năng lượng của Nga bị nhắm vào như Novatek, nhưng phương thức hợp tác giữa các ngân hàng nhà nước và quốc doanh đã giúp bảo vệ khỏi thiệt hại", bà cho hay.

“Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga có thể khiến các ngân hàng Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tiến hành các hoạt động tài chính", bà nhận định.

“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu công nghệ cao sang Nga có khả năng thúc đẩy Moscow hợp tác công nghệ cao với Trung Quốc, mang lại cơ hội cho các dự án song phương sử dụng công nghệ của Trung Quốc”, bà cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã "bày tỏ quan ngại" về cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng Bắc Kinh đã từ chối đưa ra quan điểm cụ thể về vấn đề này.

Mỹ đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt vào thứ Ba, trong khi Anh, Đức và Liên minh châu Âu cũng đáp trả bằng những hạn chế của riêng họ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa loại Nga khỏi dịch vụ tài chính SWIFT.

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin và là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết: “Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ là chưa từng có và sẽ là trừng phạt tài chính".

“Thương mại của các công ty Trung Quốc với Nga sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc sẽ giúp Nga bù đắp tác động theo cách gián tiếp chứ không trực tiếp thách thức các lệnh trừng phạt của phương Tây", ông nhận định.

Cả Trung Quốc và Nga đều bày tỏ quan tâm đến việc rời bỏ sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương vào tuần trước, chỉ hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga hiện được tính bằng đô la Mỹ, dù tỷ lệ này từng lên tới 80% vào năm 2013.

“Tác động đối với Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng mới. Các lệnh trừng phạt sẽ làm tổn thương Mỹ nhiều hơn ”, bà Shalendra D. Sharma, người đứng đầu khoa khoa học chính trị tại Đại học Lĩnh Nam của Hồng Kông, cho biết.

Trong cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin, trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, các nước đã đồng ý thỏa thuận để Nga cung cấp cho Trung Quốc 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.

Một tuyên bố chung sau đó cho biết hai nước láng giềng này sẽ “bước vào kỷ nguyên mới và phát triển bền vững toàn cầu”, đồng thời đưa vào danh sách các tài liệu liên quan đến khí tự nhiên, công nghệ, thương mại, tài chính, nông nghiệp và năng lượng xanh.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Trung Quốc và trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, Moscow đã tăng cường quan hệ với nền kinh tế số 2 thế giới, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các khách hàng năng lượng truyền thống của châu Âu.