Khu đô thị Đại Ninh: Đằng sau siêu dự án tỷ đô tại Lâm Đồng vướng sai phạm là ai?

27/04/2021 18:18 congluan.vn

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Lâm Đồng.

Đáng chú ý, trong kết luận này, dự án Khu đô thị Đại Ninh của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh có vốn đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng đã được Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi.

Vị trí dự án Khu đô thị Đại Ninh. Nguồn: TL

Dự án này có tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, diện tích lên đến hơn 3.595ha (bao gồm 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp), 6 phân khu chính: Lavender Bay (27ha, 37 cao ốc 8-10-12 tầng), Summer Palace (300ha), Paradise Island (180ha), Davos Hills (263,6ha, khách sạn 6 sao có casino), Flower Palace (640ha) và Sun Gate (6,1ha). Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) là chủ đầu tư dự án.

Đại gia nào đứng sau Sài Gòn - Đại Ninh?

Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được thành lập đầu năm 2010 với vốn điều lệ 600 tỉ đồng, ban đầu là đơn vị thành viên do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam sở hữu 85% vốn.

Đến tháng 8/2016, toàn bộ phần sở hữu của Công ty Nhà ở Phương Nam được chuyển nhượng lại cho bà Phan Thị Hoa.

Nữ doanh nhân sinh năm 1958 này là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Sài Gòn - Đại Ninh.

Đồng thời, bà Hoa cũng là cổ đông nắm cổ phần chi phối gần như tuyệt đối tại Nhà ở Phương Nam.

Đến tháng 10/2017, Sài Gòn – Đại Ninh bất ngờ tăng mạnh vốn lên 2.000 tỉ đồng.

Dù vậy, theo thông tin chúng tôi có được, đến cuối năm 2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp này vẫn dừng ở mức 600 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp thành lập với mục đích phát triển siêu dự án Khu đô thị Đại Ninh, hoạt động của Sài Gòn - Đại Ninh không có mấy chuyển biến trong những năm gần đây do dự án trong trạng thái "trùm mền".

Trong giai đoạn 2017 – 2019, Sài Gòn – Đại Ninh không phát sinh doanh thu, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu cũng không biến động đáng kể, quanh mức 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, biến động mới tại dự án này liên quan đến người quản lý doanh nghiệp có thể là sự mở đầu cho những thay đổi lớn.

Cuối tháng 1/2021, vai trò đại diện pháp luật của bà Phan Thị Hoa (Sinh năm 1958) tại Công ty Sài Gòn – Đại Ninh và một số công ty liên quan đã được chuyển giao cho các ông Nguyễn Cao Trí và Nguyễn Cao Đức.

Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn, nổi bật với hệ sinh thái Capella Holdings, kinh doanh đa ngành trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh quán bar, nhà hàng, giáo dục.

Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Đức là nhân sự cấp cao của Bến Thành Holdings.

Tập đoàn của nữ cổ đông 9x Đào Ngọc Bảo Phương từng gây xôn xao thị trường với đề xuất rót hơn 65.000 tỉ đồng đầu tư vào 2 siêu dự án ở Quảng Ninh.

Sai phạm tại dự án tỷ đô

Dự án Khu đô thị-du lịch Đại Ninh được triển khai từ năm 2010 - 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người.

Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ hạn hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng.

Như vậy, gần 10 năm qua, chủ đầu tư chỉ xây 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ...

Theo quyết định số 953/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được thuê 1.432,49 ha đất lâm nghiệp.

Đến tháng 2/2012, tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định 293/QĐ-UBND cho phép công ty này chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu đô thị-du lịch Đại Ninh.  

Theo đó, tổng diện tích đất phải chuyển đổi mục đích là trên 323,8 ha, trong đó đất ở là 166,567 ha (áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất).

Tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là trên 226 tỷ đồng. Sau khi miễn giảm 30% thuế, số tiền công ty này phải nộp chỉ còn trên 158,23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính. 

Cơ quan Thuế tỉnh Lâm Đồng xác định, dù đôn đốc nhiều lần số tiền sử dụng đất phải nộp, nhưng công ty này vẫn không nộp.

Tính đến tháng 10/2018, số tiền phạt chậm nộp thuế đã lên tới trên 104 tỷ đồng.

Công ty này còn nợ số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng trên 6,66 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cho đến đầu tháng 10/2018, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định số 2020/QĐ-UBND điều chỉnh nội dung quyết định trước đây.

Theo đó, tỉnh này yêu cầu chưa thực hiện việc chuyển mục đích sang đất ở với diện tích đất trên 166,56 ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012.

Theo đó, diện tích đất ở được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và Công ty không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với số tiền hàng trăm tỷ này.

Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560 m2, 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng…

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã cho rằng: "Việc Uỷ ban Nhân dân tỉnh (Lâm Đồng) không ra quyết định thu hồi đất là chưa thực hiện đúng  quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai  năm 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng".

Gia Nguyên