Khó đoán như giá dầu

04/01/2023 01:31 daidoanket.vn

 

Một giếng dầu tại al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN.

Một giếng dầu tại al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN.

Trước đó, trong tháng 12/2022, giá dầu mỏ thế giới giảm. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ ở mức 78,4 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc xuống 82,26 USD/thùng.

Năm 2022 là năm thế giới chao đảo vì dầu mỏ. Từ tuần đầu tháng 3/2022, giá dầu đã vọt lên theo chiều thẳng đứng, tới hơn 130 USD/thùng so với giá trước đó, trung bình 80 USD/thùng. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã tác động mạnh mẽ tới mọi nền kinh tế, để lại các bất ổn và biến động vô cùng lớn với thị trường năng lượng toàn cầu.

Nỗi ám ảnh giá dầu vẫn kéo dài sang năm 2023, khi mà được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn với ngành năng lượng, bất chấp kinh tế thế giới có rơi vào suy thoái hay không. Rõ nhất là tác động từ tác động đến từ lệnh cấm vận và chính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhất là khi mức giá trần dầu của Nga chỉ là 60 USD/thùng và lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm tinh chế của Nga có hiệu lực từ đầu tháng 2/2023.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên mức sản xuất hiện nay và tăng không đáng kể ở mức 0,05 triệu thùng/ngày. Cùng đó, giới chuyên gia tài chính cho rằng giá dầu thế giới năm 2023 sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, được cho là khả quan với mức tăng dự kiến từ 5% đến 6%. Điều này sẽ khiến cho nhu cầu dầu của hai nước này tăng và kéo theo giá dầu tăng lên.

Ngày đầu năm mới 2023, đại diện OPEC đưa ra dự báo, năm nay nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng 2,3% tương đương mức tăng 2,25 triệu thùng/ngày (trong khi năm 2022 con số này là 2,55 triệu thùng/ngày). Còn Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023. Các nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, do Trung Quốc mở cửa trở lại và du lịch quốc tế phục hồi nên nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Còn theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA), các biện pháp áp giá trần với dầu và khí đốt của phương Tây sẽ buộc Nga phải cắt giảm sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày trong quý 2/2023; từ đó có thể ngày từ đầu tháng 4 giá dầu sẽ tăng, dao động ở mức trung bình 95 USD/thùng; sau đó sẽ hạ xuống quanh mức 90 USD/thùng từ đầu tháng 7.

Tuy nhiên, mức giá đó vẫn được cho là lạc quan trước một cuộc thăm dò của Reuters, khi các nhà kinh tế dự báo mức giá dầu Brent trong năm 2023 rơi vào khoảng 100,50 USD/thùng. Còn Ngân hàng Mỹ (BoA) dự kiến, giá dầu Brent có thể đạt mức 110 USD/thùng. Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cũng dự báo giá dầu có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng ngày từ tháng 2/2023.

Sở dĩ nhiều dự báo giá dầu năm 2023 vẫn neo cao là do tổng mức tăng nguồn cung sẽ không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, kịch bản giá dầu giảm vẫn có thể diễn ra nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và suy thoái ở một số khu vực ở châu Âu tiếp tục kéo dài và chiến sự Nga - Ukraine không chấm dứt.

Giá dầu tăng cao trong năm 2022 đã khiến kinh tế toàn cầu phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, chỉ đạt 3,2%. Trong khi đó, dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại cho rằng, nếu như giá dầu vẫn neo cao thì năm 2023 GDP toàn cầu chỉ đạt 2,7%.

Tới nay, dù có các dự báo khác nhau về diễn biến trên thị trường dầu mỏ thế giới năm 2023 nhưng tựu trung lại vẫn cho thấy nhiều diễn biến khó lường và một năm không thực sự suôn sẻ đối với các nước tiêu thụ cũng như xuất khẩu dầu trên thế giới.

Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn nhận định của chuyên gia dầu mỏ thế giới Mamdouh Salameh, cho rằng giá dầu Brent có thể sẽ vượt mức 100 USD/thùng sau khi các nước phương Tây áp giá trần đối với dầu thô của Nga, khiến Moscow tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và dừng bán dầu cho các nước ủng hộ việc áp mức giá trần này. Theo đó, giá dầu Brent có thể tăng vượt 100 USD/thùng trong quý I/2023, thậm chí có thể chạm mức 105-110 USD/thùng.

Ngược lại, theo hãng tin Reuters, nhà phân tích Leon Li của Công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho rằng mặc dù hoạt động du lịch gia tăng cùng các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp lên dầu thô và sản phẩm tinh chế của khiến giá dầu mỏ tăng lên, nhưng việc giảm tiêu thụ dầu do môi trường kinh tế xấu đi trong năm 2023 sẽ khiến giá dầu đi xuống. Theo chuyên gia Li, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhanh vào năm 2023, cùng với đó là hạn chế nhu cầu năng lượng. Vì vậy, ông dự báo giá dầu có thể giảm xuống còn 60 USD/thùng vào cuối năm 2023.