

Theo nghị quyết 60 ngày 12/4, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc từ 1/7 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.
Cùng với đó, đảng bộ cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động. Tổ chức đảng tương ứng với đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã sẽ được lập theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, cấp huyện gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Toàn quốc hiện có 696 quận, huyện.
Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ.
Các đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập đảm bảo cả nước giảm 60-70% so với hiện nay.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã cũng được tinh gọn.
Công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang sẽ kết thúc hoạt động và giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.
Về hệ thống tổ chức TAND, VKSND, Trung ương đồng ý lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ hoàn thiện đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, trong đó hoàn thiện tiêu chí về sắp xếp các xã, phường, đặc khu; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đảng ủy Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp các tỉnh, thành hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, HĐND, UBND các cấp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Các địa phương căn cứ tiêu chí, thực tế để chủ động xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu quả, gần dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân.
Địa phương tiết giảm tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định, bảo đảm đúng lộ trình đề ra; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm không ngắt quãng và không gián đoạn.
Hải Anh
bình luận (0)