JP Morgan của Mỹ điều hành doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc

08/08/2021 07:49 Thùy Dương/ Global Times

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc hôm thứ Sáu đã chấp thuận đơn đăng ký của ngân hàng đầu tư Mỹ JP Morgan để điều hành hoạt động kinh doanh chứng khoán hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài.

Đây là lần đầu tiên có một công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục thúc đẩy với việc mở cửa thị trường vốn.

Theo thông tin từ JP Morgan trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ 6, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã chấp thuận đăng ký nắm toàn quyền sở hữu của JP Morgan Securities (Trung Quốc).

Được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2019, JP Morgan Securities (Trung Quốc) là một trong những ngân hàng đầu tư nước ngoài đầu tiên được các cơ quan quản lý Trung Quốc chấp thuận thành lập các liên doanh chứng khoán sở hữu đa số cổ phần công ty ở nước này, với các dịch vụ bao gồm môi giới, tư vấn đầu tư, bảo lãnh và tài trợ.

JP Morgan bắt đầu liên doanh với 51% cổ phần, sau đó được tăng lên 71% vào tháng 11 năm 2020.

Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới, JP Morgan đã và đang tìm kiếm nhiều giấy phép khác nhau để có toàn quyền sở hữu các doanh nghiệp Trung Quốc của mình. 

Vào tháng 6 năm 2020, JP Morgan Futures được bật đèn xanh để trở thành công ty tương lai có 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc.

Dong Dengxin, Giám đốc Viện Tài chính và Chứng khoán tại Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán khi trả lời phỏng vấn của Global Times đã nói rằng: “Động thái trên không chỉ nêu bật sự nhiệt tình của các tổ chức tài chính nước ngoài đối với hoạt động trên thị trường tài chính Trung Quốc, mà còn phản ánh quyết tâm của các cơ quan quản lý Trung Quốc trong việc tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa thị trường vốn trong nước ngay cả trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.


Cũng vào thứ Sáu, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã đồng ý cho Fidelity thành lập một đơn vị quỹ tương hỗ ở Trung Quốc, trong khi Citi cũng đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng cho một doanh nghiệp giám sát quỹ Trung Quốc trong tuần này, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

"Mặc dù các nhà đầu tư gần đây tập trung vào các rủi ro pháp lý liên quan đến giám sát trong một số lĩnh vực, sức hấp dẫn tổng thể của thị trường tài chính Trung Quốc đối với các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài vẫn không thay đổi", Dong nói.

Bên cạnh JP Morgan, các đại gia tài chính toàn cầu khác như Morgan Stanley, Citigroup, UBS và Goldman Sachs cũng đang cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.