Hơn 100.000 tỉ đồng lãi suất 3-4%/năm sắp được ngân hàng tung ra

28/09/2021 08:11 Quảng Dương

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng đang lên kế hoạch để cho vay ra thị trường với gói cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng, tương đương quy mô cho vay hơn 100.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng đã dành khoảng 26.000 tỉ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỉ và doanh số cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ ngày 23.1.2020 đến nay đã đạt 4,46 triệu tỉ đồng.

Ngoài gói hỗ trợ này, hiện ngành ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác cho người dân và danh nghiệp.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã cơ cấu nợ khoảng 520.000 tỷ đồng cho khách hàng, tính lũy kế thực hiện từ khi phát sinh dịch.

Bên cạnh việc cơ cấu, các ngân hàng thương mại đã hạ mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp với lũy kế từ khi có dịch đến nay là trên 26.000 tỷ.

Cụ thể, từ đợt dịch thứ nhất đến đợt dịch thứ 3, các ngân hàng đã "hy sinh" 16.000 tỷ từ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và từ ngày 15/7, khi có phát động của Hiệp hội ngân hàng, 16 tổ chức tín dụng lớn đã tiếp tục hạ lãi suất trên 9.000 tỷ.

"Đây là con số rất lớn để chứng tỏ ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua đã cố gắng nỗ lực hết mình để làm sao chia sẻ với doanh nghiệp cũng như người dân đặc biệt khó khăn trong dịch Covid-19", ông Tuấn Anh cho biết.

Về dư nợ cho vay mới để phục hồi cũng như hỗ trợ người dân trong sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đã cho vay khoảng 4,46 triệu tỷ cho vay mới trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế khoảng 9,8 triệu tỷ.

Theo đó, khoảng gần 50% lượng dư nợ đã được cho vay mới và áp dụng các cơ chế ngành ngân hàng đã đưa ra nhằm hướng tới người dân cũng như doanh nghiệp trong việc hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ các biện pháp cần thiết để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Về tăng trưởng tín dụng, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, 2 tháng nay ngành ngân hàng đã rất tích cực cho vay nhưng cầu tín dụng còn yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh và có thể phục hồi trở lại sau khi tháo gỡ giãn cách xã hội.

Được biết, tăng trưởng tín dụng đến hết 31/8 đạt 7,18% so với đầu năm, và dự kiến đạt 12% cả năm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước còn 5% để điều tiết tín dụng trong vòng 3 tháng còn lại.

"Cần khẳng định rằng ngân hàng không hề siết chặt mà còn mong muốn doanh nghiệp được thuận lợi để ngân hàng còn có dư địa tín dụng. Mục tiêu tín dụng năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp", ông Tuấn Anh khẳng định.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng, nên ủng gói hỗ trợ lãi suất, nhưng cách làm phải thông minh, phải làm 2 cách cùng lúc.

Trong đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung cho tất cả, mặt bằng lãi suất chỉ cần 1%.

Cùng với gói này nữa khoảng 2-3%, tạo ra xung lực tổng cộng 4%. Phải có những biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Trung ương cùng với biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với doanh nghiệp.

Pha trộn gói hỗ trợ lãi suất này với gói giãn hoãn của ngân hàng nhà nước đang thực hiện cần phải có những chế độ hạch toán, kế toán rõ ràng, minh bạch.

Việt Nam từng làm gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 và tài trợ tương đối mạnh tay vì suy giảm rất mạnh sau khủng hoảng năm 2008.

Mức tài trợ khi đó khoảng 4-5% lãi suất, riêng gói tài trợ lãi suất lên tới khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một số chốt về vĩ mô không kiểm soát được dẫn đến không hiệu quả.

Do đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện tạ,i nếu làm gói hỗ trợ lãi suất thì cần phải tránh được những rủi ro này.