Hoạt động của tiền điện tử sẽ chịu sự giám sát của chính quyền trong thời gian tới

19/08/2021 08:57 Trà My/ Fast Company

Ảnh minh họa

Các công ty tiền điện tử phải nhanh chóng bắt đầu chống rửa tiền.

Trong vài năm gần đây, tiền điện tử đã bùng nổ trên nền kinh tế thế giới. Tính đến năm 2020, quy mô thị trường toàn cầu của nó ước tính đạt gần 1,5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần trong thập kỷ tiếp theo. Vốn hóa thị trường của tiền số đã được đo bằng hàng nghìn tỷ đô la.

Mặc dù tăng trưởng theo cấp số nhân, thiệt hại của nhà đầu tư vẫn chồng chất. Sự mất giá của bitcoin vào mùa xuân năm 2021 đã quét sạch hơn 14 tỷ đô la tài sản của các nhà đầu tư gần như chỉ sau một đêm. Hàng tỷ đô la khác là đối tượng của hành vi trộm cắp trong các vụ lừa đảo tiền điện tử.

Không có gì ngạc nhiên khi các cơ quan quản lý tài chính đã bắt đầu chú ý đến những hành vi này.

Các tuyên bố gần đây của Chủ tịch Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) Gary Gensler cho thấy rằng các quy tắc quản lý tiền tệ truyền thống giờ đây sẽ được áp dụng nghiêm ngặt đối với tiền điện tử - đặc biệt là khi nói đến việc rửa tiền.

Các sàn giao dịch tiền điện tử ngày nay khác biệt hẳn nhau: Một bên là các sàn lớn, ổn định, đáng tin cậy, chẳng hạn như Coinbase, trong khi bên còn lại là nhiều nền tảng nhỏ, mới nổi.

Tuy nhiên, FCA - cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh, dường như không mấy tin tưởng vào bất kỳ cơ quan nào trong số đó khi nói đến việc tuân thủ chống rửa tiền.

Họ cho rằng các sàn giao dịch có thể làm được nhiều hơn nữa để ngăn chặn gian lận và các loại rủi ro khác.

NGUỒN GỐC CỦA QUY TẮC CHỐNG RỬA TIỀN

Nhiều quốc gia đã ban hành luật rửa tiền trong thế kỷ 20, nhưng chỉ đến giai đoạn sau vụ khủng bố ngày 9/11, cả thế giới mới bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải loại bỏ nguồn tài chính của các tổ chức tội phạm quốc tế.

Trong khi ban đầu quy định chống rửa tiền (AML) chủ yếu hướng đến việc buôn bán ma túy bất hợp pháp, thì điều luật mới lại tập trung nhiều hơn vào việc chống khủng bố. Điều thú vị là, hai hoạt động này đã sớm có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Ví dụ, tổ chức khủng bố Taliban ở Afghanistan đã chi trả cho phần lớn các hoạt động của mình thông qua việc trồng cây thuốc phiện và buôn bán thuốc phiện.

Các quy định về chống rửa tiền được thực hiện nhằm ngăn chặn tiền “bẩn” xâm nhập vào hệ thống tài chính.

Khi được áp dụng cho các tổ chức tài chính (bao gồm nhưng không giới hạn ở các ngân hàng), chúng thường bao gồm các quy tắc về việc báo cáo các giao dịch đáng ngờ và các nguồn tiền không rõ ràng.

Ngoài ra, nhiều quốc gia có quy chế hình sự chống rửa tiền mà nguyên tắc này áp dụng bình đẳng cho tất cả những người trong phạm vi quyền hạn nhất định.

TIỀN ĐIỆN TỬ XUẤT HIỆN

Tiền điện tử bắt đầu xuất hiện từ năm 2009 với việc phát hành Bitcoin. Nó được tạo ra là để thiết lập một phương tiện phổ biến thuận tiện cho việc tham gia vào các giao dịch tài chính mà không bị ràng buộc bởi luật pháp và chính sách của bất kỳ quốc gia nào.

Tất nhiên, đây chính xác là loại hoạt động mà luật chống rửa tiền cho là rất khó chịu, chưa kể đến một cuộc tấn công được tính toán trước nhằm vào việc độc quyền phát hành tiền tệ được cho là của mọi quốc gia.

Cụ thể trong lĩnh vực rửa tiền, người ta ước tính rằng 1 tỷ đô la đã được rửa thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử vào năm 2018, tăng gần gấp ba lần lên 2,8 tỷ đô la vào năm 2019.

Không có gì ngạc nhiên khi các chính phủ và cơ quan quản lý đã xem xét kỹ lưỡng tiền điện tử ngay từ đầu.

Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ tìm thấy một cách tấn công đáng để theo đuổi.

LỆNH CẤM” BINANCE

Vào tháng 6 năm 2021, FCA đã đưa ra một cảnh báo cho cả ngành công nghiệp tiền điện tử và người tiêu dùng rằng hầu hết các sàn giao dịch tiền điện tử không tuân thủ các quy định chống rửa tiền của Vương quốc Anh và có nguy cơ phải đối mặt với các hành động trừng phạt.

Vào ngày 26 tháng 6, FCA đã trừng phạt Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.

FCA đã cảnh báo người tiêu dùng liên quan đến các bộ phận khác nhau trong cấu trúc kinh doanh của Binance, thông qua việc cấm họ cung cấp bất kỳ dịch vụ tài chính nào được quy định trong Vương quốc Anh.

Điều này đã được báo cáo rộng rãi vì Binance bị "cấm" ở Vương quốc Anh. Mặc dù điều đó có hơi cường điệu, nhưng nó đã giáng một đòn đáng kể vào uy tín và khả năng hoạt động của Binance.

Ví dụ, Binance được yêu cầu phải đưa một cảnh báo vào trang web của mình, thông báo cho khách truy cập Vương quốc Anh rằng họ bị cấm thực hiện bất kỳ hoạt động nào được quy định ở Anh.

Tuy nhiên, "lệnh cấm" không hoàn toàn gây hại đến vậy. Đó là bởi vì hầu hết những gì Binance làm thậm chí không được quy định ngay từ đầu.

Tuy nhiên, nó và các sàn giao dịch tiền điện tử khác đang cố gắng đạt được sự chấp thuận của FCA và động thái trên của Anh ít nhất đã làm chậm quá trình này.

TIẾP THEO LÀ GÌ?

Câu hỏi lớn đặt ra cho các sàn giao dịch điện tử như Binance, Coinbase, Kraken, Gemini và khách hàng của họ là: Tương lai sẽ ra sao?

Trong ngắn hạn, mọi thứ dường như đang trở nên khó khăn hơn. Vào tháng 7 năm 2021, một số ngân hàng của Anh, nổi bật là Barclays và Santander, đã chặn tất cả các khoản thanh toán cho Binance từ khách hàng của họ.

Chỉ vài ngày sau, NatWest cũng làm như vậy.

Thế giới đầu tư và thanh toán tiền điện tử phải đối mặt với khả năng thu hẹp ở Anh và những thay đổi này có thể gây ra hiệu ứng gợn sóng trên khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cơ chế quản lý tài chính mà thực thi luật chống rửa tiền (AML) ở Hoa Kỳ là tương đối phức tạp.

Các cơ quan quản lý có thể áp dụng việc thực thi AML đối với các doanh nghiệp tiền điện tử là FinCEN (Mạng lưới chống tội phạm tài chính), CFTC (Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai) và SEC (Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ).

Vào năm 2019, Binance đã bị cấm ở Hoa Kỳ, đặc biệt do lo ngại về tuân thủ liên quan đến luật chống rửa tiền và giao dịch bất hợp pháp.

Để không đánh mất thị trường to lớn, Binance đã phản ứng bằng cách mở một công ty mới đã đăng ký FinCen - Binance.US.

Ngay cả công ty mới và được cho là siêu tuân thủ này vẫn bị cấm ở bảy tiểu bang, bao gồm cả New York và Texas, kể từ tháng 6 năm 2021.

Hơn nữa, có báo cáo vào tháng 5 năm 2021 cho rằng Binance một lần nữa bị Bộ Tư pháp và IRS điều tra vì cáo buộc AML và các vấn đề tuân thủ thuế.

Binance và tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử đang bị buộc phải quyết định giữa việc cải thiện đáng kể các chính sách chống rửa tiền của họ và thua thiệt hoàn toàn trên thị trường Hoa Kỳ.

Châu Âu cũng đang đi theo hướng này. Vào tháng 7 năm 2021, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra đề xuất về một gói các quy định và chỉ thị nhằm chấm dứt tính chất ẩn danh của tất cả các ví tiền điện tử và các giao dịch trong Liên minh Châu Âu.

Mục đích của sự thay đổi này đặc biệt là để cải thiện các chế độ chống rửa tiền và Chống tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố (CFT) ở Châu Âu.

Đối với châu Á, Binance được thành lập ban đầu tại Trung Quốc bởi người sáng lập Changpeng Zhao.

Vào năm 2017, sau khi luật pháp Trung Quốc quy định rằng không thể tiếp tục kinh doanh tiền điện tử ở đó một cách hiệu quả, công ty đã chuyển đến Nhật Bản.

Năm sau, quy định chặt chẽ hơn ở Nhật Bản đã buộc Binance phải tìm kiếm những nơi tốt hơn, cuối cùng dẫn đến việc hiện tại họ được hợp nhất vào thiên đường quản lý và thuế của Quần đảo Cayman.

Có nhiều lý do để tin rằng tiền điện tử sẽ tiếp tục phát triển. Điều đó cho thấy các quy tắc chống rửa tiền đã là một công cụ chiến lược để giúp các nhà chức trách xác định những người nguy hiểm nhất trên thế giới và sẽ thật đáng khích lệ nếu những quy tắc này được áp dụng thành công cho tiền điện tử.

Khi điều đó xảy ra, nhữnh người vẫn hoài nghi về sức mạnh lâu dài của tiền điện tử có thể có nhiều khả năng chấp nhận các loại tiền kỹ thuật số hơn.