Hãy tuân theo Quy tắc 50-30-20 để có những các quyết định tài chính tốt hơn và hướng đến mục tiêu giàu có của bạn

31/07/2021 07:13 Hiếu Kỳ/ Inc

Tuy mỗi chúng ta đều định nghĩa thành công theo cách của riêng mình, nhưng tiền vẫn luôn là một yếu tố trong phương trình. Một số người nuôi hy vọng trở nên giàu có đến mức khó tin. Còn hầu hết mọi người đều muốn đạt được một mức độ tự do tài chính và sự yên tâm đi kèm với nó.

Như người dẫn chương trình Trevor Noah của Daily Show nói: "Mọi người không muốn giàu có. Họ muốn có thể lựa chọn. Bạn càng có nhiều tiền, bạn càng có nhiều lựa chọn. Đó là quyền tự do của tiền bạc."

Nghe thật tuyệt vời.

Nhưng khi bạn gần như không đủ sống thì để có được ngay cả vẻ ngoài của sự tự do đó cũng có vẻ là điều không thể.

Bạn thậm chí nên bắt đầu từ đâu? Một cách tiếp cận đơn giản là áp dụng Quy tắc 50-30-20 để lập ngân sách.

Hãy chia nhỏ nó ra.

Quy tắc 50-30-20: Những điều cơ bản

Bắt đầu bằng việc chia thu nhập (và chi tiêu) hàng tháng của bạn thành ba loại cơ bản.

Nhu cầu: 50%

Hãy hiểu nhu cầu là những khoản phí tương đối cố định. Nhà ở. Các tiện ích. Đồ ăn. Quần áo. Bảo hiểm. Tiền trả nợ (thanh toán cho những thứ bạn đã có, không phải cho những thứ bạn có thể phải trả tiền trong tương lai).

Nhu cầu là những thứ thực sự cần thiết. Netflix không phải là một nhu cầu. Starbucks không phải là một nhu cầu. Thức ăn là nhu cầu, nhưng ăn ngoài không phải là nhu cầu. Các khoản tiền trả nợ hiện tại tạm thời là một nhu cầu vì bạn cần phải thanh toán chúng.

Hãy giữ suy nghĩ này, vì chúng ta sẽ quay lại với nó.

Mong muốn: 30%

Hãy hiểu mong muốn là những khát khao. Giải trí. Các sở thích. Các kỳ nghỉ.

Bất cứ thứ gì bạn không cần phải có để tồn tại - ngay cả khi một số thứ có vẻ quan trọng đến mức bạn không thể tưởng tượng là sẽ sống thiếu chúng được .

Hãy nhớ rằng cách dễ nhất để thổi bay ngân sách của bạn là nhầm lẫn khát khao với nhu cầu. Tất cả chúng ta đều cần được giải tỏa, nhưng chúng ta giải tỏa ra sao, tiêu bao nhiêu tiền để thư giãn và nạp lại năng lượng thì lại là một sự lựa chọn.

Điều này cũng đúng đối với việc "nâng cấp". Nếu tôi đi làm xa, tôi cần một chiếc ô tô. Nhưng tôi không cần đến một chiếc Porsche chẳng hạn.

Vì vậy, phần chi phí nâng cấp xe - và bất kỳ chi phí nào khác - nên được xếp vào danh sách "mong muốn". Cũng như đi ăn ngoài. Ai cũng cần ăn, nhưng không cần phải ăn ngoài – chênh lệch về chi phí sẽ thuộc loại "mong muốn".

Hay ví dụ với tập thể dục: tôi xem việc giữ dáng là một nhu cầu, nhưng một chiếc xe đạp trong tầm 1.500-2.000 đô la đáp ứng đầy đủ nhu cầu đạp xe của tôi. Tôi có thể muốn một chiếc xe 8.000 đô la, nhưng không cần thiết.

Do đó nếu tôi quyết định mua một chiếc xe đạp cao cấp, 6.000 đô la thêm vào sẽ được đưa vào danh sách "mong muốn".

Tất nhiên mỗi người lại định nghĩa nhu cầu "cơ bản" theo cách khác nhau. Hơn nữa, chúng ta đều có xu hướng nâng cao dần kỳ vọng của mình về "cơ bản" khi kiếm được nhiều tiền hơn. Hoặc dễ nghĩ rằng chúng ta "xứng đáng" với những điều nhất định.

Nhưng con dốc tài chính rất trơn trượt; nếu bạn liên tục tăng chi tiêu để cho tương xứng với tiền lương của mình, bạn sẽ không bao giờ vượt lên được.

Và rồi thấy mình tự hỏi tại sao.

Xin nhắc lại: Hãy nghiêm khắc với bản thân khi bạn phân loại "mong muốn" và "nhu cầu".

Mục tiêu tài chính: 20%

Tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp. Các khoản đầu tư. Quỹ hưu trí. Tiền học đại học. Tiền trả hết nợ. (Không phải các khoản thanh toán tối thiểu, mà là các khoản thanh toán bớt nợ gốc, chẳng hạn như thêm 50 đô bổ sung vào thanh toán thẻ tín dụng của bạn.)

Nếu bạn đang sống trầy trật, loại này có thể có rất ít mục.

Đưa Quy tắc 50-30-20 vào hành động

Một khi bạn đã phân loại toàn bộ chi tiêu của mình, hãy làm phép toán: Chia tổng số của từng loại cho tổng thu nhập hàng tháng của bạn.

Hãy thử với một ví dụ. Cục điều tra Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho biết thu nhập trung bình ở Mỹ chỉ hơn 31.000 USD một chút. Sau thuế thì thu nhập ròng còn khoảng 2.000 USD một tháng.

Sử dụng quy tắc 50-30-20, 1.000 đô sẽ chi cho nhu cầu, 600 đô cho mong muốn và 400 đô để tiết kiệm và trả bớt nợ.

Đó dĩ nhiên là một đòi hỏi khó. Lo liệu nhà ở, thực phẩm, phương tiện đi lại và các nhu cầu cơ bản khác với mức 1.000 đô la một tháng là một thách thức, nếu không muốn nói là không thể.

Vì thế, tỷ lệ của bạn có thể khác. Khoản "nhu cầu" của bạn có thể chiếm phần lớn thu nhập và phần tiết kiệm của bạn có thể không tồn tại.

Vậy bạn nên bắt đầu từ đâu?

Hãy nhìn kỹ vào nhu cầu của bạn. Bất kỳ mục nào bạn có thể loại bỏ hoặc giảm bớt sẽ giúp cân bằng lại tỷ lệ của bạn.

Đặc biệt chú ý đến các khoản chi phí định kỳ. Hàng năm chúng ta tìm hiểu để có mức bảo hiểm tốt hơn, mỗi năm chúng ta làm tốt hơn một chút. (Thật kỳ diệu khi khuyến mại cứ đột ngột xuất hiện khi việc kinh doanh của bạn có thể bị thua lỗ.)

Điều tương tự cũng đúng với những thứ như cáp: gọi cho họ và bảo, "Tôi nghĩ tôi cần phải hủy thuê bao cáp của mình. Nó quá đắt" và nhân viên chăm sóc sẽ tìm ra cách cắt giảm chi phí cho bạn một cách kỳ diệu.

Hãy xem xét kỹ mọi nhu cầu và xem liệu có cách nào để giảm hoặc cố gắng đến một ngày nào đó loại bỏ chi phí.

Và hãy để ý kỹ hơn những mong muốn của bạn. Ngay lúc này, điều bạn thực sự cần - và thực sự nên mong muốn - là có được cảm giác tự do về tài chính. Trong ngắn hạn, điều đó có thể sẽ đồng nghĩa với đôi chút hy sinh.

Nhưng một khi vượt qua được giai đoạn này, trừ khi xảy ra những tình huống không lường trước được, bạn sẽ không bao giờ phải thực hiện những biện pháp khắc nghiệt như vậy nữa. Tin tôi đi: Sự đánh đổi là xứng đáng.

Hãy khôn ngoan trong việc tiết kiệm. Các chuyên gia tài chính rất thích nói rằng "hãy trả tiền cho bản thân mình trước" (tiết kiệm và đầu tư trước). Và bạn nên làm vậy. Nhưng đôi khi trả tiền cho bản thân đồng nghĩa với phải trả hết nợ có lãi suất cao.

Như Warren Buffet nói: "Nếu tôi nợ khoản tiền nào với mức lãi suất 18%, điều đầu tiên tôi làm với bất kỳ khoản tiền nào mình có là trả hết nợ. Như thế sẽ tốt hơn bất cứ ý tưởng đầu tư nào mà tôi có."

Thế nên nếu bạn có khoản nợ lãi suất cao, hãy xem việc trả nợ như một hình thức đầu tư - bởi vì nó đúng là như vậy. Trả thêm 100 đô la cho một khoản nợ lãi suất cao cũng giống như kiếm được 15% trên 100 đô la đó.

Và còn có một phần thưởng: khi trả hết khoản nợ, phần gốc của khoản thanh toán sẽ biến mất khỏi danh sách "nhu cầu" của bạn, qua đó làm cho các tỷ lệ của bạn chuyển dịch thậm chí còn theo hướng có lợi cho bạn.

Kết luận

Hãy nhớ rằng Quy tắc 50-30-20 chỉ là một hướng dẫn. Nếu thu nhập của bạn tương đối thấp và bạn có một gia đình lớn, tiết kiệm 20% có thể chẳng khác gì một cuộc chiến.

Nếu bạn đang kiếm tiền khá ổn và muốn xuống tiền trước 20% cho ngôi nhà đầu tiên của mình, thì "chỉ" tiết kiệm 20% có thể đồng nghĩa phải mất một thời gian để đạt được điều đó (giá nhà trung bình ở Austin, Texas là hơn 400.000 USD, tức là bạn sẽ cần tiết kiệm 80.000 USD chỉ để trang trải khoản trả trước 20%).

Đó là lý do tại sao giá trị thực sự của Quy tắc 50-30-20 có thể là ở chỗ nó buộc bạn phải xem xét kỹ những gì bạn chi tiêu, cũng như các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn.

Nếu bạn có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn thì quá tuyệt: càng kiếm được nhiều tiền thì càng có thể mở rộng các phần chi tiêu.

Tuy nhiên, việc kiếm nhiều tiền hơn chỉ một phần nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Bạn có thể kiếm một công việc bán thời gian. Hoặc bắt đầu tìm một nguồn thu nhập phụ.

Hoặc làm việc cực kỳ chăm chỉ để tăng doanh thu cho doanh nghiệp hoặc thu nhập của mình.

Nhưng trong một ngày cũng chỉ có từng ấy giờ. Và để xây dựng một doanh nghiệp cực kỳ phát đạt cần có thời gian.

Do đó ngay ở hiện tại, cách duy nhất để có nhiều tiền hơn là tiêu ít tiền đi. Biết khi nào một nhu cầu thực ra là một mong muốn.

Biết khi nào việc nâng cấp là mong muốn chứ không phải nhu cầu. Biết rằng số tiền bạn tiêu hôm nay không phải là số tiền bạn có thể nhận lại - và tiết kiệm hôm nay là cách duy nhất để xây dựng sự giàu có cho ngày mai.

Biết mình tiêu tiền vào đâu và như thế nào - và đưa ra quyết định sáng suốt về mục đích và cách thức chi tiêu trong tương lai.

Đó là cách duy nhất để đạt được ít nhất một mức độ tự do tài chính, đồng thời tận hưởng số lượng lựa chọn ngày càng tăng đi kèm với nó.