Hàng không Việt Nam có thể thiệt hại 4 tỷ USD trong năm 2020

27/11/2020 08:57 daidoanket.vn

 

Hàng không Việt Nam tê liệt trong dịch bệnh Covid-19. 
Hàng không Việt Nam tê liệt trong dịch bệnh Covid-19. 

Thiệt hại trước mắt

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Viện Kinh tế- Xã hội và Công nghệ đồng tổ chức Hội thảo Quốc gia “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” nhằm đánh giá lại tác động của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động và phát triển của hàng không. Đồng thời thảo luận những giải pháp nhằm phục hồi hoạt động của hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá, tại Việt Nam với chủ trương phòng chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 là “phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, nên các hoạt động vận tải hàng không trong nhiều tháng đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng là được vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương “giãn cách xã hội”, “khoanh vùng dập dịch” nên dừng vận chuyển hành khách.

Dù vậy, “dịch Covid-19 gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thừa nhận.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines thông tin, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay. Riêng, Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng.

Chia sẻ khó khăn của hãng bay tư nhân, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air cho biết, trước đại dịch Covid-19, hàng năm, tăng trưởng của Vietjet Air đã đạt bình quân trên 30% đến năm 2019.

Tích lũy Vietjet Air đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí tích lũy xấp xỉ 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch Covid đã làm dòng tiền của hãng giảm sút. Do đó, để tăng cường nguồn lực tài chính cho hàng không, Vietjet đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm.

“Bên cạnh đó, Vietjet Air đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như: mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ, thẻ bay Power Pass, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài, đồng thời, tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, giảm chi phí trên mỗi đơn vị giờ khai thác từ 35-45% nhờ tối ưu hóa hoạt động khai thác. Với tình hình khó khăn hiện nay, ước tính Vietjet Air thiếu hụt 7.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh”, bà Hồ Ngọc Yến Phương nói.

Giải pháp tháo gỡ

Trước những khó khăn của ngành hàng không, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới, ngành hàng không vẫn đứng trước diễn biến phức tạp, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp hàng không, hướng tới mục tiêu phát triển hàng không bền vững và với vai trò là Hãng hàng không quốc gia, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, Vietnam Airlines đề xuất, giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa;

Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; giảm thuế bảo vệ môi trường; miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đối với phụ tùng vật tư thiết bị quay vòng, thuế giá trị gia tăng cho ngành hàng không để kích cầu thị trường....

Đáng chú ý, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet cho biết, Thông tư 01/2020/TT-NHNN chỉ áp dụng việc cơ cấu nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020, Vietjet xin phép kiến nghị bổ sung các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 đối với ngành hàng không vào phạm vi, đối tượng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31/12/2021.

Dịch Covid- 19 đã tác động trực tiếp đến các hãng hàng không và khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn, trong khi ngành đang có dư nợ vay cao, lại đang gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Do vậy, Vietjet kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2 – 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu và Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng nhà nước  tái cấp vốn, gia hạn để các Ngân hàng thương mại cho vay.

Đề cập đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay để các hãng bay sống sót qua đại dịch Covid-19, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các hãng hàng không Việt cần được cứu và Nhà nước phải có trách nhiệm như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất, tránh việc các hãng so bì lẫn nhau. Đặc biệt các hãng hàng không cần chung sức, đồng lòng để vượt qua đại dịch Covid-19.