Hai lần giảm thuế bảo vệ môi trường, chưa đủ để kiềm chế giá xăng tăng 'sốc'

08/07/2022 06:00 congluan.vn

Vẫn mong chờ thêm một số loại thuế khác được giảm

Hôm qua (7/7), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, và giảm thêm 500 - 700 đồng/lít đối với các sản phẩm dầu. Việc giảm thuế sẽ được áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tuần sau (11/7).

Như vậy, đây là lần thứ 2, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất của Chính phủ, về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Trước đó, thuế bảo vệ môi trường đã được điều chỉnh giảm 50%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với hành động giảm thuế bảo vệ môi trường, trong kỳ điều chỉnh tới, giá xăng trong nước chắc chắn sẽ giảm thêm 1.000 đồng/lít.

Nếu áp dụng việc giảm thuế vào đơn giá ở thời điểm hiện tại, thì xăng E5-RON92 sẽ giảm từ 30.890 đồng/lít, xuống còn 29.890 đồng/lít; xăng RON95 giảm từ 32.760 đồng/lít xuống còn 31.760 đồng/lít.

Nhiều chuyên gia đánh giá tích cực việc Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng đưa ra quyết định lần thứ 2 giảm thuế bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hồi phục kinh tế sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19. Đồng thời, việc giảm thuế còn là công cụ, kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường là chưa đủ, bởi giá xăng vẫn còn neo ở mức rất cao. Trong khi mỗi lít xăng hiện vẫn đang phải “gánh” trên mình đủ thứ thuế.

Ngoại trừ thuế bảo vệ môi trường đã được giảm, hiện mỗi lít xăng khi đến tay người tiêu dùng vẫn phải “gánh” 8% - 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế giá trị gia tăng. Đó là chưa tính một số chi phí khác cũng được tính vào giá thành phẩm xăng dầu, như chi phí định mức, phí vận chuyển,... 

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho biết: Có 2 công cụ để điều tiết giá xăng, đó là sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu (quỹ BOG) và điều chỉnh một số loại thuế, phí.

Theo bà Hoa, trong thời điểm hiện tại, Quỹ bình ổn xăng dầu của nhiều doanh nghiệp bán lẻ mặt hàng này đã cạn kiệt, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã “âm” quỹ, phải lấy lợi nhuận ra bù vào quỹ, nên việc trích quỹ để bình ổn giá xăng, dầu không phải là giải pháp dài hạn.

Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét việc giảm thêm một số loại thuế, phí khác, ngoài thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, bà Hoa cho rằng, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đang là phương án khả thi nhất, tiếp đến có thể xem xét thêm việc giảm thuế nhập khẩu.

“Nếu Quốc hội, Chính phủ không xem xét việc giảm thêm thuế và phụ thuộc quá nhiều vào Quỹ BOG, thì dư địa để kiềm chế giá xăng sẽ không còn”, và Hoa nói.

Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang nỗ lực hạ nhiệt giá mặt hàng xăng dầu bằng cách giảm các sắc thuế, ví dụ như Thái Lan và Lào đang áp dụng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu trong thời gian 3 tháng. 

Chính sách thu thuế mới đối xăng dầu, giải pháp cân bằng giữa bình ổn giá và thu ngân sách

Để "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, hiện Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. 

Sau khi tổng hợp ý kiến của 153 các Bộ, ngành, Tiến sĩ Quỳnh Hoa cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng đưa vào thực hiện biểu thuế ưu đãi mới để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. 

Về lâu dài, Chính phủ nên xem xét cố định hóa các khoản thu thuế cho ngân sách Nhà nước đối với xăng dầu, tức là thu thuế bằng số tiền cố định đối với mỗi đơn vị (lít, kg…) xăng dầu cụ thể, trước mắt có thể công bố ngay mức thu cố định đối với thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Cách tính thuế này sẽ đem lại một số lợi ích như: Nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) từ thuế xăng dầu sẽ khá ổn định, không phụ thuộc vào sự biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, hạn chế sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và nhờ đó, việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đỡ phức tạp như hiện nay. 

“Trên thế giới hiện nay, có khá nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu theo mức tuyệt đối như Pháp, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Úc… và đã đem lại hiệu quả nhất định”, bà Hoa nhấn mạnh.