Hà Nội quản lý đất nông nghiệp kém hay bật đèn xanh cho sai phạm?

03/06/2023 09:00 giaoducthoidai.vn

Tràn lan vi phạm

Ghi nhận của Báo GD&TĐ, không chỉ ngoại thành Hà Nội mà ngay khu vực nội đô, tình trạng xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp còn diễn ra tràn lan.

Tại ngõ 291/90 đường Phú Diễn (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thay đổi hiện trạng để xây dựng công trình nhà xưởng, công trình như khu tiểu sinh thái có lầu vọng nguyệt và hồ nước.

Tại ngõ 140 đường Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) hàng loạt công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp và đất lấn chiếm thuộc Dự án chung cư cao tầng X1 cũng được “mọc lên”.

Còn tại ngoại thành, khu vực gần cầu chui xóm Lẻ (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng đang diễn ra tràn lan. Khu vực này xuất hiện hàng loạt công trình nhà xưởng “án ngữ” trên đất nông nghiệp với diện tích mỗi công trình lên đến hàng nghìn mét vuông.

Huyện Thạch Thất, tại các thôn Kim Bông và đội 7 thuộc xã Tân Xã cũng xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, nhà trọ trên đất nông nghiệp.

Huyện Hoài Đức, tại ngõ 308 đường Đức Thượng (xã Đức Thượng) có hàng chục nhà xưởng được dựng trái phép. Mỗi xưởng rộng hàng nghìn mét vuông, đã được đưa vào hoạt động…

Theo người dân quanh khu vực, toàn bộ khu đất xây dựng nhà ở, nhà xưởng trong ngõ 308 là trên đất nông nghiệp. Những công trình này được xây dựng rải rác từ năm 2018 đến nay. Mặc dù xây trên đất nông nghiệp, nhưng những công trình này lại được chính quyền đánh số nhà như đất thổ cư.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa có văn bản yêu cầu xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận huyện, thị xã trên địa bàn.

 

UBND TP Hà Nội đã có kiểm tra, kết luận đối với 30 quận, huyện, thị xã và 579 phường, xã, thị trấn về công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đã được thống kê và chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và đề xuất hình thức xử lý theo quy định.

 

Cần sớm siết chặt kỷ cương

Tình trạng buông lỏng quản lý, cán bộ cơ sở còn thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bật “đèn xanh” cho các tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã được cử tri Hà Nội đề cập đến trong các lần tiếp xúc lãnh đạo thành phố.

Cử tri Hà Nội mong muốn thành phố có thái độ kiên quyết trong việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm về xây dựng nói chung, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp nói riêng, xem xét trách nhiệm của cán bộ cơ sở để xảy ra vi phạm.

Từ năm 2018 đến 25/5/2023, việc xử lý, khắc phục các vi phạm về xây dựng, đất đai chỉ đạt khoảng 50% vi phạm cần phải xử lý.

“Một số địa phương vẫn còn để vi phạm mới phát sinh mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có địa phương để xảy ra các vi phạm trong quản lý đất rừng, xây dựng trái phép nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm...”, UBND Hà Nội cho biết.

UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các huyện, thị xã thống kê diện tích đất rừng và xác định đối tượng đang quản lý, sử dụng. Việc thống kê này phục vụ cho công tác thanh tra, gửi Sở NN&PTNT trước 31/7/2023.

Sở này chủ trì cùng các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vi phạm và kiến nghị các biện pháp xử lý báo cáo UBND TP trước 30/9/2023.

Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

 

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp phân lô, bán nền liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, theo quy định của Luật Đất đai và các chỉ đạo của UBND TP.

Đối với công tác quản lý, xử lý vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công do UBND cấp xã quản lý, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý, khắc phục xong các vi phạm đã được thống kê tại các kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở TN&MT để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội trước 15/11/2024.

Sở TN&MT tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP Hà Nội trước 1/12/2024.

Mới đây, ông Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 5/2025, đã trả lời nhiều nội dung phản ánh của công dân liên quan đến vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ông Trần Ngọc Tường (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) và tập thể có đơn đề nghị nhanh chóng giải tỏa 14 hộ dân làm nhà không phép trên đất nông nghiệp và đất lấn chiếm thuộc dự án chung cư cao tầng X1. Cử tri đề nghị làm đường, vỉa hè ngõ 140 - đường Nguyễn Xiển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

 
 

Về việc này, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị phường Hạ Đình thống nhất với khu dân cư sắp xếp, xử lý dứt điểm chỗ để xe, dành không gian cho cư dân sinh hoạt, vui chơi.

Với 14 hộ làm nhà không phép trên đất nông nghiệp và đất lấn chiếm thuộc dự án chung cư cao tầng X1, đề nghị quận Thanh Xuân xử lý quyết liệt theo đúng quy hoạch, báo cáo kết quả vào tháng 8/2023.

Trước đó, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội (ngày 12/5/2023), cử tri quan tâm về các vấn đề “nóng” như: Quy hoạch, cơ chế trong phát triển nông nghiệp; vi phạm trên đất nông nghiệp; cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại phiên họp trên thừa nhận nông nghiệp tại Hà Nội chưa phát triển hết tiềm năng. Việc này do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm.

“Trong nhiệm kỳ này, thành phố cơ bản sẽ hoàn thành các quy hoạch chi tiết, cùng với quy hoạch chung Thủ đô sẽ khơi thông các vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin.

Link gốc