Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vẫn khó tiếp cận

11/09/2022 06:00 daidoanket.vn
Doanh nghiệp muốn được hưởng gói ưu đãi 2% cũng không dễ.
Doanh nghiệp muốn được hưởng gói ưu đãi 2% cũng không dễ.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, bên cạnh nhiều doanh nghiệp (DN) bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện, thì cũng có DN đủ điều kiện lại từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.

Lo lắng từ phía doanh nghiệp

Chẳng hạn, tại TPBank, ông Hưng cho biết, ngân hàng đã tiếp cận gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng. Trong đó, tới thời điểm hiện tại, ngân hàng mới chỉ hỗ trợ được 3 khách hàng.

“Số tiền hỗ trợ lãi suất thì không được bao nhiêu mà đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này lại sẽ gặp nhiều khó khăn” - Tổng giám đốc TPBank nói và cho rằng các quy định hiện nay còn chưa chi tiết, cộng thêm tâm lý e ngại của khách hàng nên rất khó để các ngân hàng thực hiện gói hỗ trợ. “TPBank được giao chỉ tiêu hỗ trợ 700 tỷ đồng, nhưng với tình hình hiện tại, e là chúng tôi sẽ không thể giải ngân hết được”- ông Hưng chia sẻ.

Trong khi đó đại diện Ngân hàng OCB cho biết, từ cuối tháng 6/2022, OCB đã hoàn thiện các văn bản về quy định, quy trình và hướng dẫn để triển khai gói hỗ trợ. Hiện tại, OCB đang thực hiện rà soát danh mục khách hàng vay hiện hữu và đã thống kê được gần 200 khách hàng cá nhân và DN với dư nợ gần 2.600 tỷ đồng, phù hợp với đối tượng tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất. OCB sẽ làm việc với các khách hàng để có tư vấn, hỗ trợ cụ thể cho các DN.

Nhiều ý kiến DN cho biết vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 4.300 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng 8/2022 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng, rất thấp so với mục tiêu đề ra. Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại (NHTM), nhiều khách hàng từ chối tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% do ngại thủ tục. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng khá khắt khe khi thẩm định hồ sơ. Các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đại diện một DN ngành du lịch cũng bày tỏ, chi phí vốn được giảm 2%/năm giúp DN có thêm nguồn lực tài chính đáng kể phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất sẽ là vấn đề khiến nhiều DN phải băn khoăn. Bởi như trong lĩnh vực du lịch, sau 2 năm chống chọi với Covid-19, nhiều DN gần như không có doanh thu, cơ cấu hoạt động của công ty có nhiều thay đổi, thậm chí phải sống nhờ bằng ngành nghề kinh doanh khác. Trong khi chính sách hỗ trợ lãi suất cần dựa vào hồ sơ vay vốn, kế hoạch kinh doanh của DN, ngân hàng không hạ chuẩn cho vay nên DN khó đáp ứng được các chuẩn mực như không có dư nợ đang được cơ cấu, không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo…

Nói như ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh thì rất nhiều DN có nhu cầu vay và mong muốn được vay, nhưng việc tiếp cận lại rất khó khăn do các ngân hàng đều trả lời là đang chờ quy định về quy trình cho vay và quyết toán

Theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các DN, HTX, hộ kinh doanh các ngành, gồm hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục, đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Phạm vi hỗ trợ gồm hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Riêng các DN thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng sẽ được hỗ trợ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hưng chia sẻ, sẽ có trường hợp giấy phép đăng ký kinh doanh của DN có 10 ngành nghề, trong đó có 9 ngành nghề thuộc danh sách được nhận hỗ trợ, còn 1 ngành nghề nằm ngoài danh sách. Khi đó, lo ngại của ngân hàng là làm sao để kiểm soát dòng tiền hỗ trợ không chảy vào lĩnh vực nằm ngoài danh sách đó. Ông Hưng mong muốn ngành ngân hàng sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình triển khai gói hỗ trợ để việc thực hiện được thuận lợi hơn.

Gỡ vướng cách nào?

Theo phân tích của giới chuyên gia, khi triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng này cũng đã nhìn thấy một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn, đối tượng cho vay là những đối tượng được quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ, ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng nên khách hàng được vay vốn đều phải đáp ứng đủ điều kiện, nguyên tắc đã quy định. Cùng với đó, đối tượng thụ hưởng của chính sách rất đa dạng và phong phú. Nếu các tổ chức tín dụng không cung cấp được các hướng dẫn cụ thể chi tiết thì sẽ rất dễ xảy ra các sai phạm trong quá trình triển khai.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, cái khó hiện nay là làm thế nào để đánh giá khả năng phục hồi của DN. Do đó, vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Vậy làm sao để tăng tốc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất? Theo ông Phạm Toàn Vượng - đại diện lãnh đạo NH Agribank, để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, trước hết, Chính phủ, các bộ ngành, NHNN Việt Nam xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hai là, đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ. Ba là, đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 1/1/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị NHNN Việt Nam, các bộ, ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.

Liên quan đến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc NNHNN đã chỉ đạo các NHTM phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp các DN đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Các NHTM chủ động xác định khó khăn, vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo với các đơn vị chức năng của NHNN để NHNN phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan có hướng tháo gỡ.

Đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị chi nhánh NHNN tại các tỉnh/thành phố cũng phải phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các đơn vị chức năng của các bộ, ngành tại mỗi tỉnh/thành phố trên cả nước thành lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân, từ đó giải quyết vướng mắc và xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho các DN đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vẫn khó tiếp cận - Ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:

Yêu cầu các ngân hàng thương mại không được từ chối khách hàng đủ điều kiện

Gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho DN, ai cũng muốn triển khai nhanh. Tuy nhiên, đây là tiền hỗ trợ từ ngân sách, nên chứng từ phải chặt chẽ. Nếu khách hàng không có hóa đơn đỏ, không có đủ chứng từ, thì ngân hàng không thể hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại không được từ chối các khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng, chứ không phải hạ chuẩn cho vay. Do đó, khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất, thì phải cung cấp đầy đủ chứng từ cho ngân hàng.

Doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho vay thì mới được hưởng ưu đãi

Mục tiêu của gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm là để hỗ trợ các DN phục hồi và tăng trưởng, thông quahoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho vay của ngân hàng và đúng đối tượng theo quy định thì mới được hưởng ưu đãi.

Bởi nếu DN không đủ điều kiện vay mà phía ngân hàng vẫn cho vay tức là ngân hàng đã vi phạm quy định pháp luật, đồng thời cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu và ảnh hưởng đến nền kinh tế.