Giới chuyên gia nói gì về độ trễ của chiến lược vaccine Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam?

01/08/2021 09:58 toquoc.vn

Chiến lược vaccine được coi là một khoản đầu tư vào nguồn nhân lực của quốc gia.

Việc triển khai vaccine nhằm cải thiện sức khoẻ cộng đồng, tuổi thọ và hiệu suất công việc.

Vaccine cũng có thể làm giảm chi tiêu của chính phủ cho việc điều trị và kiểm soát dịch bệnh. Nếu không có vaccine, các chủng mới sẽ lan nhanh hơn, khả năng miễn dịch sẽ có thể mất rất lâu, nền kinh tế từ đó cũng khó phục hồi.

Phân phối vaccine có thể tốn hơn 10 tỷ USD, nhưng lợi ích kinh tế sẽ gấp nhiều lần

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế với tốc độ và tính nghiêm trọng chưa từng có.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, hầu hết các quốc gia đã ra lệnh đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp. Kết quả là, công nhân mất việc làm, nhu cầu giảm mạnh.

Khi ấy, giới chuyên gia đã nhanh chóng cảnh báo rằng cần phân phối vaccine rộng rãi để nền kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường.

Tháng 12/2020, cố vấn tại McKinsey ước tính những nỗ lực này sẽ tiêu tốn hơn 10 tỷ USD. "Song, lợi ích kinh tế sẽ lớn hơn nhiều lần".

Các nghiên cứu ước tính rằng các loại vaccine ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.

Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) ước tính, lợi nhuận kinh tế hàng năm từ tiêm chủng là 12 - 18%.

Giới chuyên gia nói gì về độ trễ của chiến lược vaccine Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam? - Ảnh 1.

Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ của Chương trình vaccine GAVI

Vaccnie và độ trễ

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022. Sau đó, trong buổi trao đổi với báo điện tử Tổ quốc, Đại biểu Quốc hội

 Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng năm nay không phải là chỉ tiêu tăng trưởng, mà là giảm các ca tử vong, các ca nhiễm, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân.

"Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 kéo dài 5 năm có thể chấp nhận hy sinh năm nay, để 4 năm sau đạt kết quả tốt hơn".

Hay như trong buổi toạ đàm "Cơ hội và rủi ro ở vùng đỉnh lịch sử" do Forbes Việt Nam tổ chức vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư SGI Lê Chí Phúc cũng chỉ rõ, tác động của chiến lược tiêm chủng vaccine quy mô rộng đến nền kinh tế sẽ có độ trễ nhất định.

Theo ông Phúc, nhờ có chiến lược tiêm chủng vaccine quy mô rộng, hàng loạt nền kinh tế lớn trên toàn cầu đã mở cửa trở lại và tăng trưởng mạnh.

"Tuy có độ trễ, nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ có các diễn biến phục hồi tương tự, nhất là trong giai đoạn năm 2022".

TS. Daniel Borer, Giáo sư đại học RMIT Việt Nam cũng đồng quan điểm trên, cho rằng ảnh hưởng của chiến lược vaccine lên nền kinh tế sẽ đi kèm với độ trễ nhất định.

Ông Daniel khẳng định, mặc dù kết quả kinh tế trong 6 tháng tới có thể kém tích cực, nhưng đây là giai đoạn then chốt, quyết định đến tình hình phục hồi của đất nước.

"Liệu chúng ta có thể duy trì và giữ cho nền kinh tế an toàn trong 6 tháng tới hay không, tất cả đều phụ thuộc vào vaccine", vị giáo sư RMIT nhận định.

Thay đổi chính sách ưu tiên

Ngày 30/7 qua, tại Hội nghị của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên vaccine.

Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành phải ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.